Chưa có quy định yêu cầu người dân ký cam kết nếu không tiêm vắc xin Covid-19

27/06/2022 14:58 GMT+7

Trước yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vắc xin phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh Covid-19 , chuyên gia dự phòng của Bộ Y tế cho hay, “chưa có văn bản nào quy định”.

Tại họp báo chiều nay 27.6, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay Việt Nam đã ghi nhận chủng mới.

Theo các chuyên gia y tế, chưa có văn bản nào quy định yêu cầu người dân cam kết nếu không tiêm vắc xin

Theo GS Lân, châu Âu lo ngại bùng phát mới trong mùa hè, số mắc trên thế giới chưa ổn định lúc tăng giảm; theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số mắc ghi nhận do phụ thuộc chiến lược xét nghiệm mỗi quốc gia. Diễn biến dịch hiện không đồng đều các khu vực. Châu Phi tăng số mắc, tử vong.

Ông Lân thông tin: "Đáng lưu ý, các quốc gia có biến chủng mới BA.4, BA.5 xâm nhập, biến thể này gây gia tăng số mắc, có thể làm quá tải y tế. Đánh giá nhỏ lẻ cho thấy, BA.4 và BA.5 lây nhanh. Tính nặng do biến chủng này gây ra cũng có một số nghiên cứu cụ thể. Một số nghiên cứu cho thấy, biến thể này có biểu hiện nặng, nhưng cần đánh giá nghiên cứu bài bản hơn".

Vì sao Bộ Y tế vẫn khẳng định Covid-19 chưa là bệnh lưu hành

Tại Việt Nam, GS Lân cho biết, 2 tháng qua, tỷ lệ tử vong/mắc Covid-19 còn 0,05% là rất thấp. Theo GS Lân, do tại Việt Nam hiện lưu hành biến chủng BA.2, vi rút gây biểu hiện bệnh nhẹ và cơ bản là do Việt Nam có được tỷ lệ tiêm chủng đạt cao; đặc biệt là chúng ta có chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao.

Tuy nhiên, ông Lân lưu ý, trong 6 tháng qua, phía bắc ghi nhận hơn 106.000, cao gấp 10 lần miền Nam. Trong tháng qua, hầu hết các tỉnh giảm nhưng một số tỉnh vẫn tăng so với tháng trước.

GS Lân cho biết, WHO nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, biến chủng có thể làm bùng phát dịch trở lại và vẫn đang trong tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Omicron chưa là biến thể cuối cùng.

Tại Việt Nam, kết quả giải trình tự gene mới nhất xác định, Việt Nam đã có xâm nhập chủng BA.5 là chủng mới. Các nguy cơ có thể lấn lướt chủng cũ BA.2, chủng mới này xâm nhập là tất yếu do giao lưu đi lại.

Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam Covid-19 vẫn là bệnh lưu hành nhóm A. Trước đó, Theo Bộ Y tế, đến ngày 23.6.2022, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc xin được phân bổ, một số địa phương tiến độ tiêm chậm so với số vắc xin được phân bổ, dẫn đến nguy cơ không sử dụng hết, phải hủy bỏ.

Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Tăng cường truyền thông, vận động người dân đi tiêm chủng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng, đặc biệt tại các địa bàn còn nhiều người chưa tiêm chủng mũi 3, mũi 4; khẩn trương tổ chức tiêm chủng mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và khẩn trương tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vắc xin, ưu tiên sử dụng trước vắc xin có hạn sử dụng ngắn, tránh để hết hạn, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương “Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, thống nhất truyền thông về tiêm vắc xin là tiêm vắc xin phòng chống dịch; người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh”.

Trao đổi với Thanh Niên bên lề họp báo, một chuyên gia cho hay, “yêu cầu người dân ký cam kết là không đúng; hiện không có văn bản nào quy định như vậy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.