Thành phố Sendai - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi nằm trong tâm chấn 8,9 độ Richter, hiện có khoảng vài chục lao động và tu nghiệp sinh Việt Nam, đến tận trưa nay mới có những thông tin đầu tiên.
“Nghiệp đoàn tại Sendai thông báo, có 4 lao động người Việt do công ty Airseco đưa đi đã được chủ lao động chuyển đến khu vực an toàn. Một số vùng ảnh hưởng của động đất và sóng thần hiện vẫn chưa liên lạc được, chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi cách liên lạc với các chủ lao động ở khu vực này để nắm thêm thông tin cụ thể số lượng lao động và tu nghiệp sinh ở Nhật. Hiện chưa có con số thống kê chính xác về thiệt hại về người” - ông Liêm nói.
Ngoài ra, theo ông Liêm, tại thành phố Fukushima (cách Tokyo khoảng 300km), một nhóm lao động 6 người báo về Ban quản lý là khu vực này đã an toàn, hiện chỉ bị mất nước.
Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Airseco hiện đang có mặt ở Nhật Bản cũng thông tin, số lượng lao động của công ty ở vùng nguy hiểm không đáng kể. Thông tin ban đầu, các lao động đều an toàn, không bị ảnh hưởng.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 18.000 lao động và tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, chủ yếu làm việc trong các nhà máy ở khu vực Tokyo và phía Nam. Tính đến 14 giờ hôm nay (giờ VN, tức 16 giờ địa phương), chưa có thông tin về lao động Việt Nam bị ảnh hưởng động đất cũng như thương vong.
Có 6 năm là trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, ông Thanh cho biết thêm, số lao động Việt Nam làm việc tại Sendai không nhiều, chỉ có khoảng vài chục người, chủ yếu là công nhân trong các nhà máy giặt khô, là hơi.
Ông Lê Văn Thanh cho hay, ngay sau khi động đất xảy ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản, yêu cầu phải thường xuyên liên hệ với đối tác để nắm tình hình. Trong trường hợp có vấn đề xảy ra cần liên lạc với Đại sứ quán và Ban quản lý lao động để nhanh chóng giải quyết.
Thu Hằng
Bình luận (0)