Chưa đủ thuyết phục để bỏ HĐND huyện, quận, phường

19/09/2010 01:11 GMT+7

Sáng 18.9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH nghe và thảo luận về báo cáo tổng kết bước 1 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường của Chính phủ.

Lẽ nào HĐND là “vật cản”?

Sau một năm rưỡi triển khai tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố, chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, báo cáo tổng kết bước đầu của Chính phủ phần lớn nghiêng về những mặt tích cực của hình thức này.

Tuy vậy, báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng những kết quả đó mới là bước đầu và cần được xem xét, đánh giá khách quan, thỏa đáng và toàn diện hơn. Đồng thời, cũng cần được cân nhắc để tránh một chiều, chỉ thấy mặt tích cực hoặc những đánh giá có thể dễ dẫn đến nhận thức cho rằng HĐND là yếu tố cản trở, vì thế khi không tổ chức HĐND thì các mặt đều tốt hơn cả.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện, lên tiếng: “Mới không tổ chức HĐND huyện, quận, phường một năm nhưng giám sát tăng, kiến nghị tăng, giải quyết đơn thư tốt, người dân gặp chính quyền thuận lợi hơn… Nói như thế thì lâu nay hội HĐND cản trở cho hoạt động của UBND hay sao?”. Ông Vượng nói thẳng: “Tôi có cảm tưởng báo cáo như “bản kết tội” HĐND quận, huyện, phường”.

Đề nghị quy định công khai tài sản của ứng cử viên đại biểu HĐND và ĐBQH

Chiều cùng ngày, UBTV QH thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và luật Bầu cử đại biểu HĐND. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của các đại biểu đều thống nhất tán thành với phương án chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thực sự cấp bách, nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu QH và HĐND trong cùng một ngày. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có thể sửa đổi thêm một số vấn đề khác như: tăng số lượng đại biểu HĐND cho TP Hà Nội do vừa mở rộng địa giới hành chính; quy định công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú...

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng nhận định tinh thần của báo cáo đơn giản, một chiều, thông tin chưa được phân tích rõ ràng. “Nếu như vậy có thể hiểu rằng ở những đơn vị không tổ chức thí điểm là tình hình kinh tế, xã hội không tốt?”, ông Hà Văn Hiền bày tỏ.

Liên quan đến con số ước tiết kiệm chi ngân sách 85 tỉ đồng/năm từ việc thí điểm không tổ chức HĐND mà báo cáo tổng kết nêu, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, đề nghị phải nhìn nhận một cách đầy đủ chứ không thể tính toán đơn thuần như vậy, và khẳng định: “Co chỗ này thì phình chỗ khác chứ không hề tiết kiệm. Tổng chi ngân sách vẫn thế”.

Ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban Công tác đại biểu của QH đặt vấn đề: “Nâng số đại biểu của HĐND tỉnh lên và kéo dài thời gian họp thì có tốn kém không? Có tính vào đó không hay chỉ tính mỗi mặt lợi khi bỏ HĐND. Tăng cường thời gian giám sát, chất lượng giám sát của cấp tỉnh thay cho cấp huyện tốt hơn ở điểm nào?”.

Cần tiếp tục thí điểm

Chính phủ đề xuất hai phương án, phương án một là kỳ họp tới QH xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5.2011. Theo ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nếu thực hiện theo phương án này thì tháng 5.2011 chỉ tiến hành bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh, thành trực thuộc T.Ư, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, thị trấn; không bầu cử đại biểu HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước. Trong trường hợp phương án này không được lựa chọn, Chính phủ đề nghị mở rộng thực hiện thí điểm thêm 20 tỉnh, thành đến khi sửa đổi Hiến pháp 1992.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH tán thành với phương án 2 mà Chính phủ đề xuất, nghĩa là tiếp tục thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị vẫn chỉ tiếp tục thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố, không cần mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ.

Phần lớn các Ủy viên UBTV QH nhất trí cao với quan điểm của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Hà Văn Hiền dứt khoát: “Đề nghị bỏ là chưa thỏa đáng, thời gian thí điểm ngắn như vậy chưa đủ điều kiện để bỏ”. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bà Lê Thị Thu Ba, đề nghị cần có thêm thời gian để tiếp tục thí điểm.

Đồng quan điểm nên tiếp tục thí điểm, song Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý khi thí điểm cần tăng điều kiện và quyền lực cho cơ quan hành pháp.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, có thể tiếp tục làm thí điểm, nhưng không nên chỉ dừng lại ở 10 tỉnh, thành thuận lợi như hiện nay mà cần mở rộng thí điểm ở những địa bàn khó khăn hơn.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.