Năm 2018, cả nước có 32 doanh nghiệp (DN) nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), nhà nước sẽ còn giữ 58,44% tổng vốn điều lệ. Tính tới hết năm, các bộ, địa phương bán cổ phần lần đầu (IPO) 30 DN, thu về hơn 24.250 tỉ đồng với nhiều DN quy mô lớn như: Tập đoàn cao su, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Điện lực dầu khí... Giá trị IPO và bán cho cổ đông chiến lược trong năm 2018 gấp 4,67 lần năm 2017. Cùng với CPH, nhà nước cũng thu về hơn 16.000 tỉ đồng tiền thoái vốn, cao hơn 2,58 lần giá trị sổ sách. Theo Phó thủ tướng, tổng thu từ CPH, thoái vốn trong năm 2018 đạt hơn 40.300 tỉ đồng. Lũy kế 3 năm 2016 - 2018, tổng số thu này đạt hơn 210.000 tỉ đồng, gấp gần 2,7 lần tổng thu của cả giai đoạn 2011 - 2015.
Đáng chú ý, Trưởng ban Chỉ đạo cho hay, đến nay chưa phát hiện gian lận, vi phạm lớn trong CPH, thoái vốn năm qua, mặc dù đây là lĩnh vực rất nhiều phức tạp. Tuy nhiên ông Huệ thừa nhận, hạn chế của công tác này trong năm 2018 là tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, còn 53 DN nhà nước chưa được CPH, 118 DN chưa được thoái vốn. Đặc biệt, TP.HCM và Hà Nội có 50 DN chưa CPH; các DN thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai.
Về nhiệm vụ năm 2019, theo Phó thủ tướng, tinh thần hành động của Chính phủ là bứt phá thì lĩnh vực này cũng phải vậy trên tinh thần quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện. “Chúng ta không quá coi trọng số lượng nhưng cũng sẽ xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền để chậm CPH, thoái vốn, chậm công khai thông tin”, Phó thủ tướng nói.
Bình luận (0)