Hoàn thuế trước, kiểm tra sau là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn quay vòng sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai nhiều quy định bất hợp lý, thủ tục rườm rà đang trở thành rào cản khiến doanh nghiệp vẫn phải dài cổ ngồi đợi.
Rào cản đó được “dựng” lên từ chính cơ chế được ban hành trong thời gian gần đây. Đơn cử, theo quy định cũ cứ 2 tháng nếu doanh nghiệp (DN) có số thuế âm (tiền thuế nhà nước nợ DN) được làm thủ tục hoàn thuế thì nay thời gian này đã tăng lên 1 năm. Trước kia, số tiền thuế chỉ cần âm 200 triệu đồng, sau khi cân đong đo đếm nay đã tăng lên 300 triệu đồng. Việc kéo dài thời gian hoàn thuế, áp số tiền thuế được hoàn cao hơn… cho thấy rõ ràng cơ quan thuế đang muốn giảm bớt thời gian quản lý, thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế. Nếu không muốn nói chọn cho mình phần việc nhẹ nhàng, dễ dàng còn đẩy cái khó, phần thiệt thòi cho các DN.
Chưa hết, phản ánh với Thanh Niên nhiều DN than khi đi làm thủ tục bị cơ quan thuế “ngâm tôm” hồ sơ, không hoàn tiền với lý do quỹ hoàn thuế GTGT khó khăn, số dư quỹ không đủ. Thực tế đáng báo động này cũng đang xảy ra tại rất nhiều địa phương. Đơn cử gần đây tại Bình Định, lãnh đạo Cục thuế tỉnh này đã phải khẩn thiết đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quỹ hoàn thuế 225 tỉ đồng còn thiếu năm 2014 để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Quỹ hoàn thuế GTGT là tiền của DN, nhà nước phải có trách nhiệm chi trả nhanh chóng, đầy đủ. Năm ngoái quỹ này dự toán hơn 70.000 tỉ đồng nhưng nơi thì vướng mắc thủ tục không hoàn được, nơi hoàn được lại bị thiếu. Quỹ được dự toán hằng năm trong ngân sách và phân bổ về từng cục thuế địa phương. Việc cấp thiếu, lại tính toán và cân đối không chính xác, thậm chí không có nguồn dự phòng bổ sung để hoàn trả cho DN khi phát sinh nhu cầu từ hoạt động kinh doanh là điều khó có thể chấp nhận được.
Muốn thu được nhiều tiền thuế cần nuôi dưỡng nguồn thu. Muốn nuôi dưỡng phải tạo điều kiện cho DN phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh để DN tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Điều đó bắt đầu ngay từ chính khâu hoàn thuế. Ngành thuế cần phải có chính sách linh hoạt hơn, không thể trên thì cởi ra nhưng dưới lại thắt vào. Nếu sợ rủi ro phải phân loại từng ngành nghề, lĩnh vực và không nên đánh đồng DN có uy tín, làm ăn tốt với các DN có tiền sử nợ nần, thường xuyên trốn thuế, lách thuế.
DN không có rủi ro thì phải hoàn thuế nhanh, hoàn trước kiểm sau còn DN có rủi ro lớn cần phải sàng lọc, kiểm tra, thanh tra quyết liệt; thậm chí hoàn sau kiểm trước. Nếu cứ khư khư giữ tâm lý lo ngại làm thất thoát tiền thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm, đánh đồng, vơ đũa cả nắm... rồi đòi hỏi, sách nhiễu đủ loại thủ tục, giấy tờ thì làm sao trách DN không muốn nộp thuế vào ngân sách.
Bình luận (0)