Chưa thỏa ‘cơn khát’, thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục sụt giảm

13/08/2018 17:05 GMT+7

“Cơn khát” ô tô nhập khẩu chưa được giải tỏa, kết hợp với tâm lý chờ đợi để mua xe mới của người tiêu dùng... kéo sức mua ô tô tiếp tục sụt giảm trong tháng 7.2018.

Sau một thời gian “tắc đường về”, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia... bắt đầu ồ ạt trở lại Việt Nam. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7.2018, Việt Nam đã nhập gần 5.700 ô tô nguyên chiếc các loại. Đây là số lượng ô tô nhập khẩu nhiều nhất (tính theo tháng) kể từ đầu năm 2018 đến nay.
Xe nhập khẩu nguyên chiếc trở lại với số lượng, mẫu mã khá đa dạng, thế nhưng sức mua ô tô trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục sau nhiều tháng liên tiếp sụt giảm. Theo báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7.2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.466 xe, giảm 8% so với tháng 6.2018. Trong đó, phân khúc xe du lịch, xe thương mại và xe chuyên dụng đều sụt giảm doanh số bán so với tháng trước. Riêng phân khúc xe du lịch đạt 14.124 xe, giảm 9% so với tháng trước.
Lượng tiêu thụ ô tô theo từng tháng và cộng dồn 7 tháng đầu năm 2018
Nguyên nhân một phần được các DN lý giải do tâm lý chờ đợi của khách hàng. Bởi trong tháng 7.2018 nhiều mẫu xe thuộc diện hưởng thuế nhập khẩu 0% từ Thái Lan, Indonesia… đã được các DN nhập về Việt Nam nhưng số lượng mẫu mã bán ra thị trường vẫn khá hạn chế.
Ngoài các mẫu xe nhập của Honda hay Chevrolet của GM… trong tháng 7.2018 chỉ có thêm Toyota Hilux, Ford Ranger hoàn tất thủ tục kiểm định chất lượng khí thải, an toàn kỹ thuật theo quy định mới để thông quan và bán ra thị trường. Tuy nhiên, thời gian bán hàng theo tháng bị rút ngắn khiến doanh số bán của Toyota Hilux chỉ đạt 35 xe, Ford Ranger đạt 190 xe. Các mẫu mã khác như Mazda BT-50, Mitsubishi Xpander, Toyota Yarris, Ford Everest… được DN ô tô lên lịch ra mắt và bắt đầu phân phối từ tháng 8.2018. Chính những điều này khiến khách hàng mang tâm lý chờ đợi, cơn khát xe nhập kéo dài từ đầu năm đến nay vẫn chưa thực sự được giải tỏa. Doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 7.2018 chỉ đạt 3.373 xe, giảm 18% so với tháng 6.2018.
Lượng tiêu thụ một số dòng xe vốn hút khách như Mazda CX-5, KIA Morning, Honda City…giảm nhẹ trong tháng 7.2018
Trong khi đó, sau nhiều tháng tăng trưởng, sản lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước cũng bắt đầu sụt giảm, chỉ đạt 18.093 xe, giảm 6% so với tháng trước. Tâm lý chờ đợi để mua mẫu mã mới, bắt đầu bán ra từ tháng 8.2018 khiến doanh số Toyota Vios giảm 273 xe so với tháng trước đó. Lượng tiêu thụ một số dòng xe vốn hút khách như Mazda CX-5, KIA Morning, Honda City… trong tháng 7.2018 cũng giảm nhẹ so với tháng 6.2018.
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường ô tô, doanh số bán hàng của hầu hết các hãng xe trong tháng 7.2018 đều sụt giảm. So với tháng 6.2018, lượng tiêu thụ các dòng xe Chevrolet của GM giảm 31%, Honda giảm 15%, Mazda giảm 10% và thương hiệu xe sang Mercedes-Benz giảm tới 22%. Trong khi đó, sự bù đắp sản lượng bán hàng của xe lắp ráp cho xe nhập khẩu nguyên chiếc giúp Toyota vẫn duy trì mức doanh số trên 420.000 xe.
Trong tháng 7.2018 nhiều mẫu xe nhập khẩu đã về VN nhưng chưa được bán ra thị trường
Cùng với các thành viên thuộc VAMA, trong tháng 7.2018 Hyundai Thành Công (HTC) tiếp tục công bố doanh số bán xe tại Việt Nam. Theo đó, HTC đã bán được 5.921 xe các loại, xếp thứ 2 trên thị trường sau Trường Hải (THACO) với 7.509 xe, Toyota Việt Nam bán được 4.270 xe.
Cộng dồn 7 tháng đã qua của năm 2018, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 148.536 xe, giảm 4% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe lắp ráp trong nước tăng 12%, xe nhập khẩu giảm 45%.
Bước sang tháng 8.2018, nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu sẽ được các hãng tung ra thị trường, trong khi đó một số dòng xe lắp ráp trong nước cũng được DN nâng cấp thiết kế, công nghệ, điều chỉnh giá bán để cạnh tranh. Đây có thể xem là tin vui đối với người tiêu dùng ô tô Việt Nam sau quãng thời gian dài chờ đợi. Điều này cũng hứa hẹn thị trường sẽ có bước hồi phục đáng kể về sức mua vào giai đoạn nửa cuối năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.