Chưa thống nhất hình thức thi hành án tử hình

26/11/2009 10:53 GMT+7

(TNO) Sáng nay 26.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự luật thi hành án hình sự. Dự luật đề xuất, ngoài hình thức tử hình bằng xử bắn còn có tử hình bằng cách tiêm thuốc độc.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, hình thức thi hành án tử hình bằng cách xử bắn có nhiều bất cập như còn thiếu pháp trường, gây tâm lý nặng nề cho cán bộ chiến sĩ được giao nhiệm vụ thi hành xử bắn.

ĐB Nga cho biết, thực tế đã có những cán bộ chiến sĩ bị áp lực quá lớn, ảnh hưởng tới thần kinh sau khi thực hiện nhiệm vụ xử bắn và một số chiến sĩ dù được huấn luyện rất kỹ, khi bắn chỉ cách có một khoảng cách rất ngắn nhưng do do tâm lý nên bắn không trúng mục tiêu.

Từ những bất cập trên, ĐB Nga đồng tình với việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình nhưng không đồng tình với đề xuất là áp dụng cả hai hình thức thi hành án bằng xử bắn và tiêm thuốc độc.

“Nếu áp dụng cả hai hình thức thì sẽ không khắc phục được những bất cập của việc xử bắn. Nếu tồn tại song song hai hình thức sẽ gây bất bình đẳng cho các bị cáo”, ĐB Nga bày tỏ.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) hưởng ứng: “Theo tôi chỉ lựa chọn một hình thức thi hành án tử hình, không nên có hai cách thi hành án”.

ĐB Võ Văn Đủ (Đắc Nông) lại tán đồng với quy định áp dụng hai hình thức thi hành án tử hình của dự luật, vì: “hình thức xử bắn, chúng ta đã tiến hành lâu rồi nên có kinh nghiệm, còn tiêm thuốc độc là hình thức mới nên cũng cần phải nghiên cứu thêm và thực tế hình thức này cũng tác động tới tâm lý của người thực hiện tiêm thuốc độc”, ĐB Đủ giải thích.

ĐB Phạm Văn Minh (Bắc Giang) cùng quan điểm: “Áp dụng hai hình thức thi hành án tử hình là phù hợp”. Riêng Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Trần Bá Thiều thì nhấn mạnh: “Dù là hình thức gì thì cũng tước đi mạng sống của người ta nên đây là việc làm cực kỳ khó khăn và phức tạp, người thực hiện luôn luôn day dứt”.

Nhà tạm giữ có phải là nơi thi hành án?

Theo dự luật, nhà tạm giữ, trại tạm giam là nơi thi hành án.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH Trần Thế Vượng (Hải Dương) đề nghị phải cân nhắc thật kỹ khi đưa quy định trên vào luật.

ĐB Lê Thị Nga cho biết trình độ năng lực và cơ sở vật chất của trại tạm giam, nhà tạm giữ khác với trại giam. “Nếu quy định nhà tạm giữ, trại tạm giam là nơi thi hành án sẽ không đảm bảo tốt cho công tác điều tra và thi hành án. Không thể đưa một giải pháp tình thế vào luật được”, ĐB Nga dứt khoát.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn: “Nhà tạm giam, trại tạm giam là để giữ những người chưa có án, phục vụ cho quá trình điều tra, nhưng nếu quy định đây là những nơi thi hành án, khi kết thúc điều tra mà người đó không có tội thì sẽ như thế nào?” và khẳng định: “Trại tạm giam, nhà tạm giữ chỉ có nhiệm vụ quản lý về tạm giam, tạm giữ”.

ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cho biết, thực tiễn chúng ta có để một số phạm nhân có mức tù dưới 5 năm ở trại tạm giam nhưng không vì thế mà luật hóa.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.