Chưa thống nhất mô hình Ban Chỉ đạo chống tham nhũng

19/09/2012 03:20 GMT+7

Trong dự luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi được thảo luận tại Ủy ban TVQH chiều qua, Chính phủ trình ra 3 phương án về Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về PCTN.

Theo đó, phương án thứ nhất xác định rõ BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và Ban Nội chính T.Ư là cơ quan thường trực của BCĐ T.Ư.

Phương án hai chỉ quy định trách nhiệm của BCĐ trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước và giao Ủy ban TVQH quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động. Còn phương án 3 thì không nêu quy định về BCĐ PCTN.

Trong khi Chính phủ để ngỏ cả 3 phương án không bày tỏ quan điểm nghiêng về phương án nào thì cơ quan thẩm tra đề nghị chọn phương án 3, tức là không quy định BCĐ T.Ư trong luật.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề xuất chọn phương án 2, tức là vẫn giữ BCĐ T.Ư, còn cách thức chỉ đạo thế nào sẽ do Ủy ban TVQH quyết định, nhưng theo ông Lý, nếu để ở tầm QH quyết định thì hiệu lực của ban này sẽ cao hơn. Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lại đề xuất nên chọn phương án 1 để thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết T.Ư 5 về PCTN và cho rằng, nếu không vi hiến thì có thể quy định thẳng vào luật sửa đổi phương án này, còn nếu “ngại” thì có thể quy định là theo tinh thần kết luận của Hội nghị T.Ư 5. Nhưng Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích: “Đảng lãnh đạo nhưng phải thực hiện theo pháp luật. Chúng ta thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng bằng cách xây dựng luật sửa đổi lần này để từng bước hoàn thiện. Không đưa cụ thể vào luật thì Đảng cũng đã lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”. Vì vậy, theo bà Ngân nên chọn phương án 3. Một số ủy viên TVQH phát biểu sau đó cũng đề nghị chọn phương án này.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần cân nhắc thiết kế thế nào trong luật sửa đổi cho hợp lý. Điều quan trọng, theo Chủ tịch QH, là khi sửa luật cần phải tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, công tố, xét xử, giám sát hiện hành trong việc phát hiện, đấu tranh và PCTN; vì trước nay, việc phát hiện hành vi tham nhũng, các vụ việc tham nhũng do các cơ quan này thực hiện còn rất hạn chế.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.