Chiều 15.11, lễ hội Ooc Om Boc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL năm 2024 chính thức khép lại sau 2 ngày tranh tài sôi nổi. Hàng chục ngàn người dân và du khách đã đến xem, cổ vũ cho các đội đua trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hai bên bờ sông Maspero, người dân và du đội nắng đứng chật kín để cổ vũ các đội đua ghe ngo. Nhiều người còn trèo lên cây, mái nhà, trầm mình dưới sông để cổ vũ, làm cho không khí vô cùng cuồng nhiệt, vui tươi.
Năm nay, giải đua thu hút 60 đội với gần 7.200 vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên phục vụ. Trong đó, có 48 đội trong tỉnh Sóc Trăng, 12 đội đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và TP.Cần Thơ tham gia tranh tài ở cự ly 1.200m nam và 1.000m nữ.
Ở nội dung nam, 53 đội chia làm 13 bảng, mỗi bảng 4 đội và 1 bảng 5 đội. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để chọn 32 đội đi tiếp vào giai đoạn 2.
Ở nội dung nữ, 7 đội chia thành 2 bảng, thi đấu vòng tròn 1 lượt để chọn đội nhất, nhì vào bán kết và chung kết xếp hạng. Nhịp dầm của các chị em không thua gì phái mạnh.
Sau 2 ngày tranh tài, ở giải nam, đội ghe ngo chùa Tum Núp 2 (H.Châu Thành) giành giải nhất; đội ghe ngo chùa Kosthum (Bạc Liêu) giải nhì và đội ghe ngo chùa Srolon Chén Kiểu (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đoạt giải ba.
Về đội nữ, đội ghe ngo chùa Tum Núp (H.Châu Thành, Sóc Trăng) giành giải nhất; đội ghe ngo chùa Ô Chum (TX.Ngã Năm, Sóc Trăng) đoạt giải nhì; đội ghe ngo chùa Kosthum (Bạc Liêu) đoạt giải ba.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận tại giải đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng, Khu vực ĐBSCL lần thứ 6 năm 2024:
Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, chiếc ghe ngo có vị trí quan trọng, được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh xóm làng. Các đội ghe ngo thường đại diện cho chùa hoặc một khu vực. Người dân từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và yêu thích khi được góp sức cho đội ghe của mình. Nhiều gia đình sẵn sàng tự bỏ tiền để lo cho cả đội ghe ngo từ lúc tập luyện đến ngày thi đấu.
Bình luận (0)