Chữa viêm đại tràng mãn

16/01/2009 23:06 GMT+7

Theo y học cổ truyền, viêm đại tràng thuộc phạm trù các chứng tiết tả, kiết lỵ... Lý luận Nguyên nhân gây bệnh, theo lương y Như Tá, có thể là: ngoại cảm lục dâm phong, hàn, thử, thấp, nhiệt gây tổn thương tỳ vị, hoặc do ăn uống nhiều chất béo, mỡ, chất sống lạnh hoặc cay nóng nhiều, uống nhiều rượu gây thấp nhiệt nội sinh ứ trệ ở đại tràng, hay do tình chí tổn thương, can khí uất hại đến tỳ (can tỳ bất hòa) đều làm cho chức năng vận hóa của tỳ bị rối loạn sinh thấp nhiệt uất kết, khí trệ, huyết ứ nên sinh đau bụng, tiêu phân có máu mũi, tiêu chảy.

Nếu bệnh lâu ngày, tái phát nhiều lần, tỳ dương hư, ảnh hưởng đến thận dương hư, có các triệu chứng đau lưng, mỏi gối, chân tay lạnh, tiêu chảy thường vào lúc sáng sớm, gọi là chứng ngũ canh tiết tả.

Đặc điểm của bệnh là tiêu chảy, với mức độ nặng nhẹ khác nhau, có thể kèm theo đau bụng, hoặc mót rặn. Cơn đau bụng có thể là âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn, thường ở vùng bên trái bụng dưới, phân thường có máu. Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng có thể gặp như: chán ăn, bụng đầy, buồn nôn, người gầy, mệt mỏi có khi sốt nhẹ, thiếu máu. Một số ít trường hợp, trong lúc bệnh có thể diễn tiến nặng đột ngột (tiêu chảy vài chục lần/ngày, sốt cao, nôn nhiều, mất nước, rối loạn điện giải...). Về chẩn đoán, chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả soi chụp đại tràng, trực tràng (niêm mạc xung huyết, loét, chất máu mũi, niêm mạc biến dạng).

Những thể bệnh và phép trị

Trên lâm sàng thường gặp các thể bệnh sau: thể thận hư, có các triệu chứng: tiêu chảy kéo dài nhiều ngày (thường xảy ra lúc sáng sớm), bệnh nhân sợ lạnh, sắc mặt nhợt, lưng đau, gối mỏi, tai ù, thính lực giảm. Phép trị ở thể này là "ôn thận, sáp trường", dùng bài thuốc "tứ thần hoàn gia vị", gồm các vị thuốc: chế phụ tử (sắc trước), nhục đậu khấu, bổ cốt chỉ, xích thạch chi (cùng 12g), ngô thù du 5g, hậu phác 10g, gừng lùi 6g.

 
Nhục đậu khấu - Cát căn

Còn thể thấp nhiệt - thường gặp lúc bệnh mới bắt đầu, với các biểu hiện: sốt, đau bụng, tiêu chảy hoặc mót rặn, phân có máu... Phép trị thể này là "thanh lợi thấp nhiệt", dùng bài thuốc "cát căn cầm liên thang", gồm các vị thuốc: cát căn 16g, hoàng cầm 14g, hoàng liên 4g, chích thảo 6g. Thứ 3 là thể can tỳ bất hòa, có những biểu hiện: tiêu chảy thường xảy ra sau khi tinh thần bị tác động, đau bụng, tiêu xong hết đau kèm theo ngực bụng đau tức, chán ăn, có thể ợ chua, bụng sôi hoặc phân xanh, rêu lưỡi trắng mỏng... Phép trị cho thể này là "sơ can, hòa vị", dùng bài thuốc gồm các vị: phòng phong, bạch truật, bạch thược, sài hồ (cùng 12g), ý dĩ 16g, tiêu sơn tra 12g, trần bì 8g. 

Tiếp nữa là thể tỳ hư, thường có những triệu chứng như: đau bụng, (xoa ấn thì dễ chịu), người mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, phân sống, rêu lưỡi dày... Phép trị là "bổ tỳ, tiêu thực", dùng bài thuốc "sâm linh bạch truật tán gia giảm", gồm các vị thuốc: nhân sâm, sa nhân (cùng 8g), bạch truật, hoài sơn, bạch linh, bạch biển đậu, liên nhục, cốc nha (cùng 12g), mộc hương 4g.

Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên như sau: nước thứ nhất cho các vị thuốc vào 4 chén nấu còn 1 chén, cho nước thuốc ra. Nước nhì cho 3 chén nước vào tiếp nấu còn nửa chén. Hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.

Hạ Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.