Chưa vội điều chỉnh giờ học, giờ làm

24/10/2011 23:41 GMT+7

Bên lề phiên họp Quốc hội, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm của các cơ quan trên địa bàn.

Thưa ông, Bộ GTVT đã đề xuất điều chỉnh giờ làm hằng ngày của các cơ quan T.Ư bắt đầu từ 9 giờ và các cơ quan của Hà Nội là 8 giờ 30. Xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này?


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Hà Nội đang cùng Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu ý kiến này và cần phải nghe thêm thông tin phản biện của xã hội, thậm chí phải có những điều tra xã hội học để xem việc điều chỉnh như vậy được gì, chưa được gì, phần nào lợi hơn, nảy sinh vấn đề gì mới... Và ngay cả nếu điều chỉnh thì ở khu vực nào, lĩnh vực nào chứ cứ nói điều chỉnh thì chưa chắc đã giải quyết một cách có hiệu quả.

Nói tóm lại, giải pháp đưa ra phải ước lượng những vấn đề mới phát sinh là gì. Nếu biện pháp đó mang lại lợi ích nhiều hơn thì khó cũng phải quyết tâm thực hiện; nhưng phần phát sinh đó không cải thiện tình hình thì phải thận trọng. Tôi chỉ có thể nói đấy là đề xuất đang được tiếp tục cân nhắc.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói là đang cùng với Hà Nội nghiên cứu để trong tuần này trình Chính phủ?

Nếu đủ căn cứ thì mới trình được chứ nếu chưa đủ thì cũng không vội vì Chính phủ yêu cầu quý 1/2012 mới trình đề án của Bộ GTVT. Còn nếu trình được sớm thì càng tốt nhưng nếu thấy chưa vững chắc thì nên có nghiên cứu thêm. Hà Nội cũng chưa quyết định cụ thể mà đang nghiên cứu thêm.

Như ông từng nói, điều chỉnh giờ làm sẽ chỉ là một trong những giải pháp góp phần giảm ùn tắc. Vậy đâu là giải pháp căn bản? 

Muốn giải quyết căn bản thì giải pháp phải đồng bộ, trong đó ưu tiên số 1 là phải nâng cao chất lượng, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông. Bây giờ xe nhiều, người nhiều mà đường ít thì tất cả biện pháp khác chỉ có tính tình thế, và chỉ giúp giảm ở mức độ nhất định.

Tiếp đến là những biện pháp về điều tiết các loại hình phương tiện giao thông sao cho hợp lý giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Giao thông công cộng hiện có xe buýt nhưng phải tăng cường cả các phương tiện sắp có như đường sắt trên cao, metro. Điều này nằm trong yêu cầu thứ nhất là tăng cường hạ tầng giao thông.

Thứ nữa, đó là ý thức người tham gia giao thông. Thực ra mật độ người và mật độ phương tiện giao thông của Hà Nội so với một số thành phố lớn khác trên thế giới thì chưa cao, không nhiều bằng Bangkok, Singapore, Hồng Kông. Nhưng chúng ta đi lại lộn xộn do ý thức người tham gia giao thông không tốt. Phải tiếp tục tăng cường biện pháp giáo dục để mọi người thực hiện tốt hơn. Nếu ai cũng thực hiện tốt luật thì chúng ta có thể đi với tốc độ chậm đều chứ không tắc nghẽn.

Và để hỗ trợ biện pháp này, cần phải có biện pháp, chế tài đủ mạnh để cưỡng chế, buộc mọi người phải chấp hành, tức là phải nâng mức phạt tương xứng với hậu quả do người vi phạm gây ra như tắc đường.  


Bên cạnh cơ sở hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông cũng cần được “nâng cấp” - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ GTVT đang vận động công chức trong ngành đi xe buýt, Hà Nội có vận động cán bộ sở, ngành sử dụng phương tiện công cộng?

Hà Nội hiện chưa có chủ trương như vậy. Đưa ra chủ trương gì thì cũng phải xem khả năng thực hiện chủ trương đó ra sao. Thí dụ, bây giờ tăng số lượng người đi xe buýt là rất tốt và cần thiết nhưng số lượng đầu xe buýt vẫn như hiện nay mà ai cũng sử dụng thì chưa chắc là xe buýt đảm bảo được. 

Sáng nay 25.10, Sở GTVT Hà Nội sẽ họp lấy ý kiến các ngành liên quan về phương án lệch giờ theo đề xuất của Bộ GTVT, để hoàn thiện phương án cuối cùng trình lên UBND Hà Nội. Theo đề xuất của Bộ GTVT, cán bộ công chức cơ quan trung ương bắt đầu đi làm sáng từ 9 giờ - 12 giờ trưa, chiều từ 13 giờ - 18 giờ; cán bộ công chức Hà Nội sáng từ 8 giờ 30 đến 12 giờ, chiều từ 13 giờ - 17 giờ 30; bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ 8 giờ đến 17 giờ 30; học sinh trung học sáng 7 giờ - 11 giờ, chiều 12 giờ 30 - 16 giờ 30. Riêng sinh viên đại học sẽ chia theo khu vực, Q.Cầu Giấy 7 giờ - 12 giờ, 12 giờ 30 - 17 giờ 30; Q.Đống Đa 6 giờ 30 - 11 giờ 30, 12 giờ 45 - 17 giờ 45; Q.Hai Bà Trưng 6 giờ 30 - 11 giờ 30, 12 giờ 45 - 17 giờ 45. Trung tâm kinh doanh thương mại sẽ mở cửa từ 9 giờ 30 đến 23 giờ 30.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 350.000 học sinh mầm non, khoảng 500.000 học sinh tiểu học, 320.000 học sinh trung học cơ sở, sinh viên gần 480.000, cán bộ cơ quan trung ương khoảng 202.000 người, cán bộ trực thuộc Hà Nội khoảng 152.000 người.

M.Hà

 Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.