Chưa xử phạt ngay những người bán hàng rong

23/01/2013 14:10 GMT+7

(TNO) Hôm nay 23.1, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm , Bộ Y tế, cho biết, thực hiện Thông tư 30 của Bộ Y tế không phải xử phạt ngay lập tức mà có thời gian để các cơ quan chức năng triển khai tập huấn cho người kinh doanh thức ăn đường phố.

>> Nhiều người bán, người ăn không biết thông tư "hàng rong
>> Quản lý chặt thức ăn đường phố
>> TP.HCM: Hơn 28.000 điểm bán thức ăn đường phố

an toàn thực phẩm
Cần sớm triển khai tập huấn thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người kinh doanh thức ăn đường phố - Ảnh: Đan Hạ

Theo ông Trần Quang Trung, cơ sở y tế ở các địa phương cần sớm triển khai tập huấn thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người kinh doanh thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm hơn nữa để những người làm dịch vụ nhận thức rõ trách nhiệm vì cộng đồng; người tiêu dùng cũng nâng cao ý thức, tránh những hàng quán không đảm bảo vệ sinh.

Theo ông Trung, thức ăn đường phố thì ở nước nào trên thế giới cũng có vì ưu điểm thuận tiện, giá rẻ, phục vụ cho nhiều đối tượng trong xã hội. Thậm chí, ở nhiều nơi còn hình thành đặc trưng văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới thực hiện vận động quản lý an toàn thực phẩm rất tốt.

Xây dựng phố an toàn thực phẩm ở Hà Nội

Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP.Hà Nội cho biết, cơ quan này đang trình cấp trên đề án xây dựng tuyến phố điểm về đảm bảo an toàn vệ sinh thức ăn đường phố. Nếu được phê duyệt, sẽ triển khai ngay trong năm nay. Từ những tuyến phố điểm này, sẽ nhân rộng mô hình ra toàn thành phố.

Đánh giá về tính khả thi của Thông tư 30, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho rằng, một thông tư, văn bản để đi vào cuộc sống cần phải có thời gian nhất định. Việc vận động an toàn vệ sinh thức ăn đường phố ở nước ta là rất khó khăn, nhưng vẫn phải làm, càng nhanh càng tốt để cải thiện tình trạng nhếch nhác của thức ăn đường phố. Hiện nay, một số địa phương ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… cũng đang triển khai rất tốt.

Ông Trung cũng đề nghị, những chỗ chưa thực hiện được, cơ quan chính quyền địa phương cũng cần sốt sắng vào cuộc.

Về hình thức tập huấn, theo ông Trung cho biết, sẽ có người trực tiếp phổ biến hoặc Cục An toàn thực phẩm sẽ xây dựng băng hình, rồi chuyển đến các địa phương mở cho các hộ kinh doanh xem hoặc nếu có thể phát miễn phí.

Chấp nhận “hóa đơn thủ công” để biết nguồn gốc thực phẩm

“Khi mua hàng giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên, cần phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Còn mua hàng có giá trị dưới 200 nghìn, người mua hàng cần có ý thức làm “hóa đơn thủ công” bằng cách ghi rõ nguồn gốc thực phẩm rồi lấy chữ ký xác nhận của người bán hàng để khi xảy ra sự cố có thể truy tìm nguồn gốc”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu quan điểm.

Hồi đáp về ý kiến cho rằng Thông tư 30 đang làm khó những hộ kinh doanh thức ăn đường phố nghèo, ông Phong nêu quan điểm không hề bắt những người này đầu tư tốn kém.

“Chỉ yêu cầu có kẹp sắt, găng tay nilon, chuyển địa điểm xa cống rãnh, ghi rõ nguồn gốc thực phẩm… để đảm bảo vệ sinh, những thứ đó không tốn nhiều chi phí. Trước khi thực hiện Thông tư 30, Cục An toàn thực phẩm đã từng phát miễn phí không ít găng tay nilon cho những người bán hàng nhưng do ý thức kém, nhiều người không dùng”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, thời gian tới, sau khi thực hiện tập huấn, tuyên truyền vận động, nếu hộ kinh doanh nào vẫn cố tình vi phạm, chính quyền địa phương sẽ đứng ra xử phạt. Bên cạnh đó, Thông tư 30 của Bộ Y tế cũng đặc biệt chú trọng việc khám sức khỏe miễn phí định kỳ cho người kinh doanh thức ăn đường phố để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính kinh doanh thức ăn đường phố

Theo Nghị định 91/2012/NĐ-CP, mỗi hành vi vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ: Cảnh cáo, phạt tiền tối đa 100 triệu đồng/một hành vi vi phạm hành chính. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức bổ sung. Một số vi phạm phổ biến:

Giấy khám sức khỏe định kỳ hết hạn sử dụng đối với cơ sở dưới 20 người sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Không khám sức khỏe định kỳ đối với cơ sở có dưới 20 người sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Không cập nhật tập huấn kiến thức đối với cơ sở có dưới 20 người sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Không có giấy xác nhận tập huấn đối với cơ sở có dưới 20 người sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng.

Liên Châu - Đan Hạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.