Theo Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học, căn cứ Quy định số 32 của Bộ Chính trị ngày 16.9.2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) và các chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể hình dung chống tiêu cực được xác định đối với những hành vi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành.
Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho biết hoạt động chống tiêu cực sẽ đẩy mạnh trong năm 2022 |
thái sơn |
“Chức năng chống tiêu cực rất rộng, bao hàm nhiều đối tượng nhưng không phải tất cả các biểu hiện, hành vi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống đều do Ban chỉ đạo theo dõi, xử lý mà được phân cấp theo hướng cấp ủy tổ chức Đảng nào quản lý cán bộ đảng viên ở đó có vi phạm thì trước hết cấp ủy, tổ chức Đảng ở địa bàn, lĩnh vực đó sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, xử lý”, ông Nguyễn Thái Học nói và nêu trường hợp điển hình về tiêu cực bị xử lý năm 2021 là vụ việc liên quan đến Bí thư Huyện ủy H.Cô Tô, Quảng Ninh, ngay sau bị phát hiện vi phạm về đạo đức, lối sống thì lập tức Tỉnh ủy Quảng Ninh đã vào cuộc xử lý.
“Đối với các hành vi suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của người dân mà thấy rằng việc lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp ủy, tổ chức Đảng đó xử lý mà chưa đúng tầm thì Ban chỉ đạo sẽ đưa vụ việc đó vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo”, ông Nguyễn Thái Học cho biết thêm.
Theo Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, giữa tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ chuyển hóa với nhau, trong tất cả các vụ tham nhũng đều có yếu tố tiêu cực nhưng việc xử lý hành vi tham nhũng và hành vi tiêu cực độc lập với nhau.
“Đối với Ban Chỉ đạo là chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, khi xử lý hành vi tiêu cực là do cơ quan chức năng thực hiện, còn lại quá trình điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng là do các cơ quan tố tụng thực hiện. Hoạt động của Ban chỉ đạo là làm sao để việc xử lý được nghiêm minh, khẩn trương, đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Ban Chỉ đạo đưa nhiệm vụ chống tiêu cực vào là để lãnh đạo, chỉ đạo chứ không làm thay công việc của các cơ quan chuyên môn”, ông Nguyễn Thái Học nói.
Theo ông Nguyễn Thái Học, trong năm 2022, việc chỉ đạo xử lý các hành vi tiêu cực sẽ được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn. Ban Chỉ đạo đã giao Ban Nội chính T.Ư khẩn trương hướng dẫn cụ thể hơn để áp dụng chức năng chống tiêu cực để cấp ủy tổ chức Đảng áp dụng và thực hiện.
Ba "đại án" tiêu cực năm 2022
Đáng chú ý, tại phiên họp thứ 21 mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa vào 3 vụ việc liên quan hành vi tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo.
“Thứ nhất là vụ buôn lậu, đánh bạc ở An Giang, liên quan đến những cán bộ đảng viên vi phạm trong vụ án cần phải điều tra làm rõ và xử lý; thứ 2 là vụ thi tuyển cán bộ, công chức ở tỉnh Phú Yên, dù đã được khởi tố điều tra nhưng Ban Chỉ đạo thấy việc xử lý còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên cần rà soát để xử lý nghiêm; thứ 3 là vụ tha tù trước thời hạn đối với Phan Sào Nam. Đây cũng là vụ việc cho thấy hành vi tiêu cực của nhiều cán bộ đảng viên cần phải được làm rõ. Tính chất rất nghiêm trọng. Lâu nay việc tha tù để tạo điều kiện cho phạm nhân hòa nhập cộng đồng là chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước nhưng lợi dụng cái chính sách này, một số cơ quan chức năng đã thể hiện hành vi gian dối nghiêm trọng thì phải xử lý”, ông Nguyễn Thái Học nói, đồng thời cho biết cùng với đầu vụ thì Ban Chỉ đạo đã giao nhiệm vụ rất rõ cho các cơ quan chức năng.
Theo đó, đối với vụ tha tù trước hạn cho Phan Sào Nam, những cán bộ đảng viên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xử lý xong, các trường hợp thuộc thẩm quyền của Đảng ủy Công an TƯ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, tỉnh Phú Thọ thì đã và đang xử lý.
Bình luận (0)