Vụ cháy nhà trọ tại số 7, tổ 1, đường Ba La (P.Phú Lương, Q.Hà Đông, Hà Nội) xảy ra rạng sáng 30.5 có 9 người thoát chết. Khu vực này đã mở lối thoát từ trước và người dân đã may mắn thoát nạn.
Ở TP.HCM, nhiều chung cư cũ, nhà dân vẫn thiết kế có lồng sắt ngoài vị trí ban công. Nhiều người không khỏi giật mình khi nhìn hình ảnh những ngôi nhà quây kín "chuồng cọp". Sau nhiều vụ cháy để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM, người dân đã tìm cách mở lối thoát ở những khu vực bít bùng này.
Vì sao quây kín "chuồng cọp"?
Cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tồn tại đã hơn 50 năm, các lô chung cư đã cũ kỹ, không tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Ở cư xá này, hầu hết người dân đều thiết kế thêm lồng sắt bao ngoài ban công. Việc này đã được người dân thực hiện từ hàng chục năm nay. Sau nhiều vụ cháy xảy ra, người dân đã để ý đến việc tìm cách mở thêm cửa nhỏ ở khu vực ban công.
Cư dân trong những ngôi nhà 'chuồng cọp' ở TP.HCM: 'Có chuyện là không chạy đâu được'
Ông Vũ Đình Văn (70 tuổi, ở lô B chung cư Thanh Đa) cho biết, người dân quây kín ban công bằng lồng sắt với mục đích chống trộm, ngăn trẻ con không may rơi xuống và tăng diện tích sử dụng.
"Hồi xưa một người làm rồi nhiều nhà khác làm theo, dần dần lô nào cũng quây kín như vậy. Sau này, mọi người đã để ý đến việc mở cửa thoát hiểm để trèo sang mái tôn nhà bên cạnh, đi ra ngoài được. Nó là một cửa nhỏ, có bản lề gắn vào, nhìn qua có thể không thấy nhưng thực chất vẫn có cửa thoát hiểm. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng mở lối thoát này, có những nhà vẫn để nguyên chuồng cọp kín", ông Hùng nói.
Ông Dương Quốc Việt (78 tuổi, người dân cư xá Thanh Đa) cho hay, sau khi có sự vận động của UBND phường, người dân đã mở lối thoát. Lồng sắt được người dân quây kín với mục đích không để trẻ con rơi xuống và có chỗ phơi quần áo, không bay xuống đất.
"Chuồng cọp" bưng bít rất nguy hiểm nếu không may có sự cố xảy ra. Mỗi căn hộ thường chỉ có một cửa ra vào nếu cháy xảy ra không thể chạy ra cửa chính. Tôi nghĩ việc mở ra một lối thoát hiểm nhỏ ở ban công là hợp lý, không được bưng bít toàn bộ", ông Việt chia sẻ.
Tương tự, ở chung cư Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh), nhiều căn hộ cũng được trang bị khung sắt, hàng rào ngoài ban công. Ở đây, các "chuồng cọp" san sát nhau, được cơi nới ở nhiều căn hộ. Các chuồng cọp càng kiên cố khả năng thoát nạn khi xảy ra sự cố càng khó khăn.
Ông Đỗ Văn Hùng (53 tuổi) cho biết việc quây kín ban công được người dân thực hiện sau khi chung cư Ngô Tất Tố đi vào hoạt động không lâu. Giống ở cư xá Thanh Đa, cư dân quây kín với mục đích an toàn cho trẻ em và chống trộm. Tuy nhiên, khi biết hậu quả của nhiều đám cháy gây ra và có sự vận động của UBND phường, không ít người đã tháo "chuồng cọp".
"Mọi người làm thêm ô nhỏ giống cửa sổ trong mỗi ngôi nhà. Nhà tôi toàn người lớn nên không quây kín. Giờ có nhà đã phá hết nhưng có nhà vẫn để lại, mở thêm lối thoát hiểm", ông Hùng cho hay.
Vận động mở lối thoát hiểm
Bộ Công an đã có hướng dẫn những cách thoát nạn và tìm lối thoát khi xảy ra cháy. Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Bà Đào Thúy Vân, Phó chủ tịch UBND P.27, Q.Bình Thạnh cho biết, đơn vị đã phối hợp với công an phường, cảnh sát PCCC đến từng hộ dân ở cư xá Thanh Đa vận động mở lối thoát hiểm.
"Sau khi có sự vận động của UBND phường, người dân đã cắt chuồng cọp, thiết kế thêm cửa nhỏ để ra ngoài khi có sự cố. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền PCCC, cho người dân tập leo dây xuống từ lối thoát hiểm, trang bị bình chữa cháy. Người dân đều hưởng ứng nhiệt tình với những biện pháp trên.
Bình luận (0)