Ngày 29.9, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về giá trần dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn, áp dụng từ tháng 10.2011.
Theo đó, mức phí chung cư cao nhất là 4.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng bao gồm các phần việc từ quét dọn vệ sinh, diện tích công cộng (1 lần/ngày); quản lý vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà; bảo vệ an ninh, chăm sóc cây xanh, tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy, vận hành bảo dưỡng thang máy...
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều chung cư, phí chung cư tháng 10 hầu hết vẫn giữ nguyên. Một số chung cư hiện đang có mức thu dưới 4.000 đồng/m2/tháng thậm chí đã thông báo tăng kịch trần theo văn bản hướng dẫn.
Theo phản ảnh của các cư dân các tòa nhà E3, F4, F5, G3 khu đô thị mới Yên Hòa (Q.Cầu Giấy), họ đã được thông báo của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội về việc tăng giá dịch vụ từ tháng 10 lên mức 4.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, kèm với mức giá tăng, các dịch vụ vẫn như cũ, thậm chí không đủ hết các yêu cầu mà thành phố quy định.
Một người dân ở nhà F5 cho biết: “Nếu làm vệ sinh làm mỗi ngày một lần như quy định thì 4.500 đồng chúng tôi cũng chấp nhận, nhưng 2 - 3 ngày dọn 1 lần, có khi một tuần mới thấy nhân viên vệ sinh, bảo vệ thì lúc có lúc không nên chúng tôi không đồng ý”.
Tại các chung cư cao cấp, phí dịch vụ hiện cao hơn mức trần cũng chưa được hạ giá. Khu chung cư Sky City thu 8.000 đồng/m2/tháng, Ciputra 6.300 đồng/m2. Cao nhất vẫn là khu Golden Westlake (Q.Tây Hồ) và tòa nhà nổi tiếng Keangnam: 0,88 USD (tương đương 18.000 đồng/m2/tháng).
Chị Ngọc Hà, ở chung cư Keangnam cho biết: “Keangnam thu phí quá cao so với chất lượng dịch vụ cung cấp. Khi có thông báo của UBND về trần phí chung cư, chúng tôi hỏi Ban quản lý thì họ bảo rằng chưa biết gì về quy định mới này và hẹn trong tháng 10 sẽ gặp gỡ người dân để bàn bàn bạc. Khi đó, chúng tôi sẽ đề nghị hạ xuống cho phù hợp”.
Theo một số người dân, phí 4.000 đồng/m2/tháng tại các khu cao cấp có thể còn hơi thấp, nhưng cao hơn thế quá nhiều thì cũng không hợp lý. “Những người sống tại căn hộ cao cấp thường có thu nhập cao nên không so đo tiền bạc, nhưng phí phải tương ứng với chất lượng dịch vụ. Ban quản lý nên rạch ròi, bóc tách từng loại việc cụ thể để đáp ứng với phí sẽ thu. Trong hợp đồng mua bán căn hộ của Keangnam ghi rõ phí dịch vụ được thu theo quy định của nhà nước nên khi thành phố có giá trần thì 2 bên cần thỏa thuận lại mức giá cho phù hợp”, một người dân ở Keangnam đề xuất.
Ở một số chung cư bình dân, phí dịch vụ hợp lý hơn nên người dân ít phàn nàn, nhưng tại đây, đơn vị quản lý thường tính phí theo căn hộ chứ không theo diện tích hay đầu người. Tại chung cư của Bộ Khoa học công nghệ (tổ 33, P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy) phí mỗi căn hộ là 150.000 đồng/tháng gồm phí thang máy và vệ sinh. Mỗi căn hộ khoảng 100m2, nếu tính theo diện tích thì mỗi m2 chỉ đóng 1.500 đồng/tháng.
Tại đây, phí gửi xe máy là 50.000 đồng/tháng, ô tô: 500.000 đồng/m2. Hay khu nhà N4B đường Lê Văn Lương cũng chỉ thu phí dịch vụ 30.000 đồng/hộ/tháng, 30.000 đồng/xe máy. Bà Phan Cẩm Tú, ở chung cư Bộ KH-CN cho biết: “Chúng tôi tự thuê một Ban điều hành chung cư, cùng nhau tính ra mức phí 150.000 đồng/hộ/tháng. Đây là mức thu hợp lý, đủ chi phí vận hành nhà tòa nhà”.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, giá trần được đưa ra không áp dụng cho tất cả các chung cư. “Các chung cư có thể thu theo thỏa thuận. Nhưng nếu người dân và đơn vị quản lý không có thỏa thuận, mức thu không phù hợp với chất lượng dịch vụ hoặc khi có bất đồng thì thành phố sẽ áp dụng quy định giá trần kèm theo các tiện ích quy định để xử lý”, ông Tuấn nói.
Phi Loan
Bình luận (0)