Tại Phố Wall, chỉ số thị trường S&P 500 giảm 1,1%, xuống còn 1.185,9 điểm. Dow Jones Industrial giảm 119,05 điểm, tương đương giảm 1%, chốt phiên 8.9 ở mức 11.295,81 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,8%, xuống còn 2.529,14 điểm.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân mất điểm của Phố Wall trong phiên này là do việc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben S. Bernanke đã khiến các nhà đầu tư thất vọng khi chỉ tuyên bố FED sẽ bàn về các công cụ thích hợp có thể sử dụng để kích thích kinh tế và sẽ sử dụng nếu cần thiết. Chưa có một sự khẳng định chắc chắn cũng như một phần chi tiết nào về các kế hoạch kích thích kinh tế mới được đưa ra.
Toàn bộ 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 đều giảm trong phiên này, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu tài chính và cổ phiếu công nghiệp. Chỉ số KBW Bank với sự góp mặt của 24 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã giảm 2,7% trong phiên này. Cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm mạnh 3,8%; cổ phiếu của Boeing giảm 3,2%.
* Tại châu u, cổ phiếu của các công ty dầu khí và các nhà bán lẻ khởi sắc mạnh mẽ đã tạo đà để chứng khoán khu vực này tiếp tục đi lên. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực được nới rộng thêm 0,7% tổng số điểm.
Tổng kết trên các thị trường thành viên, chỉ số FTSE 100 của Anh và CAC 40 của Pháp cùng tăng 0,41%, lần lượt chốt phiên ở mức 5.340,38 điểm và 3.085,83 điểm; DAX của Đức tăng nhẹ 0,05%, lên thành 5.408,46 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 1,49%; FTSE MIB của Ý tăng 0,69%; PSI General của Bồ Đào nha tăng 1,1%; ISEQ của Ireland tăng 0,18%.
* Tại châu Á, sau những đợt giằng co lên - xuống liên tục, chỉ số MSCI Asia Pacific khép lại phiên giao dịch với mức tăng 0,3%.
Cơ quan chính phủ Úc báo cáo thị trường lao động nước này trong tháng 8 vừa qua đã có thêm 9.700 người thất nghiệp, trái ngược với dự đoán sẽ có thêm khoảng 10.000 người có việc làm mới mà các chuyên gia đã kỳ vọng trước đó.
Cùng với đó, chính phủ Trung Quốc cho biết có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Tác động muộn của thông tin về gói trợ giúp 300 tỉ USD do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất đã giúp chứng khoán châu Á duy trì xu hướng tăng.
Tổng kết phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,34%, chốt phiên 8.9 ở mức 8.793,12 điểm; HSI của Hồng Kông giảm 0,67%, xuống còn 19.912,8 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,68% và 0,83%; KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,72% trong khi S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,11%; Straits Times của Singapore tăng 0,87%.
* Trên thị trường dầu thô, giá dầu tại New York (Mỹ) và London (Anh) cũng quay đầu giảm nhẹ trong phiên 8.9 (kết thúc rạng sáng nay, 9.9, giờ VN).
Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 8.9, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 10 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 89,05 USD/thùng, giảm nhẹ 29 cent/thùng, tương đương giảm 0,3% so với phiên trước đó. Giá dầu giao kỳ hạn tại đây hiện giảm 2,6% so với đầu năm.
Giá dầu Brent giao tháng 10 tại London giảm 1,25 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, xuống còn 114,55 USD/thùng.
Hồi đầu phiên giao dịch, giá dầu thô tại đây đã tăng nhẹ khi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) công bố báo cáo tuần cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này trong tuần trước (tính tới 2.9) đã giảm 3,96 triệu thùng, xuống còn 353,1 triệu thùng, là mức dự trữ thấp nhất kể từ tháng 4 năm nay. Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán mức giảm 2 triệu thùng.
Báo cáo thị trường lao động từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp việc làm trong tuần trước (tính tới 3.9) đã tăng thêm 2.000 trường hợp, lên thành 414.000 hồ sơ. Trước đó, các chuyên gia dự đoán con số này sẽ giảm xuống còn 405.0000 hồ sơ.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)