Chứng khoán giảm sâu

25/08/2010 22:31 GMT+7

Sau ba phiên giảm mạnh liên tiếp trong tuần này, VN-Index và HNX-Index đã xuống đến mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Điều gì đang xảy ra?

Thiếu tiền

Đóng cửa phiên hôm qua, VN-Index mất thêm 10,53 điểm (tương ứng giảm 2,42%) và chỉ còn 423,89 điểm. HNX-Index cũng giảm mạnh hơn với 5,59 điểm (4,49%), còn 118,81 điểm.  So với thời điểm từ tháng 5.2009 đến nay, đây là mức thấp nhất của cả hai chỉ số.

Các nhà đầu tư (NĐT) dường như đã không còn thông tin lạc quan nào để làm cơ sở cho niềm tin khi thị trường chứng khoán Mỹ đêm trước đó cũng giảm mạnh. Nỗi lo thường trực đã được nhắc đến nhiều trong hơn một tháng qua là việc nguồn cung lớn hơn cầu khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết phát hành thêm cổ phiếu (CP), các tập đoàn nhà nước phải thoái bớt vốn đầu tư trái ngành sau câu chuyện đáng buồn của Vinashin...

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí nhận xét, nguyên nhân chính khiến thị trường giảm quá mạnh hiện nay là do thiếu dòng tiền chảy vào. Hiện các NĐT đang phải san sẻ nguồn vốn của mình khi các doanh nghiệp phát hành thêm CP để huy động vốn, các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ theo quy định. Trong khi đó, số NĐT mới tham gia vào thị trường lại không nhiều để có thể hấp thu  nguồn cung ồ ạt này. Hơn nữa, một khi thị trường liên tục giảm, nhiều NĐT lại càng lo sợ khả năng lợi nhuận quý 3/2010 của các công ty đầu tư tài chính đang niêm yết trên sàn sẽ càng giảm mạnh đồng thời phải trích lập một khoản dự phòng tài chính khá lớn. Vòng luẩn quẩn lại diễn ra. Các NĐT càng lo sợ thì lại càng tranh nhau bán khiến thị trường lại càng giảm.

Giá CP về vùng hấp dẫn

Nhiều loại CP hiện giảm giá rất mạnh. Nhiều CP trên cả hai sàn đã về sát mệnh giá hoặc đang giao dịch dưới mệnh giá. Theo ước tính, cả hai sàn hiện có gần 100 CP có P/E nhỏ hơn 5 lần. Như vậy nếu NĐT bỏ ra 5 đồng thì sẽ thu được 1 đồng lợi nhuận sau 1 năm. Nếu so với mức lãi suất gửi tiết kiệm vào ngân hàng hiện nay thì việc đầu tư vào các CP này sẽ thu lợi nhuận cao hơn nếu không gặp rủi ro gì lớn.

Nếu xét theo chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) thì cũng có gần 100 loại CP đang giao dịch với giá thấp hơn giá trị sổ sách. Thị trường hiện nay dù rất ảm đạm nhưng cũng tạo cơ hội cho những NĐT có bản lĩnh lựa chọn CP tốt với giá hấp dẫn. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng thời điểm này, NĐT có thể cân nhắc để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Có thể giải ngân dần vào những CP có chỉ số cơ bản tốt, thị giá thấp hay những CP mà DN có khả năng đạt được lợi nhuận cao trong 2 quý còn lại của năm...

Ông Lê Văn Thanh Long - Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty chứng khoán SME - nhận định: Việc thị trường loay hoay đi ngang và các CP blue-chips liên tục giảm giá đã khiến nhiều NĐT chán nản, đi tới quyết định thoái vốn. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ông Long, không loại trừ thị trường càng giảm, việc giải chấp CP đối với những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính (cho vay cầm cố CP) càng tiếp tục diễn ra. Ngay cả việc sử dụng đòn bẩy tài chính với thời hạn dài như 30 ngày hay 60 ngày thì khi thị trường giảm quá mạnh trong 3 phiên đầu tuần này đã khiến nhiều tài khoản lại bị chạm đến tỷ lệ quy định phải trả nợ nên NĐT buộc phải bán tháo CP. 

Sự bi quan quá mức của NĐT đã đẩy thị trường đi xuống sâu hơn những dự báo, kết quả phân tích kỹ thuật đưa ra trước đó. Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định nhiều CP đã giảm giá quá đà, đặc biệt các CP blue-chips - động lực chính cho sự tăng trưởng của VN-Index đã giảm quá mạnh từ đầu năm đến nay. Nhiều CP đã giảm về sát với mức giá thấp nhất, thậm chí ngang bằng với mức giá trong thời kỳ kinh tế bị khủng hoảng năm 2008.

Cần bình tĩnh hơn

Nếu so với đầu năm 2010 thì chỉ số VN-Index đã mất đi khoảng 15%. Các loại CP từ penny-stocks đến blue-chips đều giảm giá rất mạnh, nhiều CP giảm hơn 30-50%. Ước tính chung cả hai sàn hiện có gần 100 CP có chỉ số P/E (giá/thu nhập) nhỏ hơn 5 lần. Theo ông Lê Đạt Chí, tình hình kinh tế vĩ mô của VN hiện nay tốt hơn thời điểm năm 2009 khi VN-Index giảm mạnh về mức 434,87 điểm (ngày 17.12.2009). Đó là hạn mức tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn và DN vẫn có khả năng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn; nhiều DN vừa mới huy động thêm được vốn thông qua TTCK và đây là cơ sở để làm gia tăng thu nhập trên mỗi CP... Do đó, nếu giá CP giảm mạnh hơn nữa sẽ thu hút sự tham gia mạnh hơn của các NĐT đã bán ra đang cầm tiền chờ đợi cũng như những NĐT mới.

Thế nhưng theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC - chính tâm lý bán ra hôm nay và sẽ mua lại được CP rẻ hơn vào ngày hôm sau của nhiều NĐT đã khiến cả thị trường bị nhấn chìm trong cảnh giảm giá. Liệu hành động đó có đúng hay không bởi vẫn có những NĐT đang tiếp tục mua vào để tích lũy? Ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: Chúng ta không đầu tư vào VN-Index. NĐT nên bình tĩnh phân tích và so sánh giá của CP mình đang nắm giữ ở hiện tại so với giá CP đó vào thời điểm cuối tháng 12.2009. Việc so sánh đó để giúp ta tìm hiểu được vì sao có những CP giảm giá mạnh nhưng có CP lại chỉ giảm rất nhẹ? Có phải vì lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2010 của doanh nghiệp đó đã giảm? Hay vì doanh nghiệp đó phát hành thêm CP nên thu nhập trên mỗi CP bị giảm? Như vậy mức giá hiện nay của CP giảm là đúng hay không? Nếu ta thử làm một phép so sánh và có được câu trả lời thì sẽ không để bị cuốn vào tâm lý sợ hãi của số đông hiện nay mà bán mất CP đang nắm giữ.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM cho rằng những lý do cộng hưởng khiến cho thị trường chứng khoán giảm mạnh hiện nay không phải là mới. Thế nhưng điều đó nói lên rằng các NĐT lại một lần nữa đã mất niềm tin vào sự phát triển của thị trường. Ví dụ, quy định để NĐT mở nhiều tài khoản hay rút ngắn thời gian thanh toán và giao dịch chứng khoán còn T+2 (thay vì T+3 như hiện nay) mà Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nói rất nhiều lần, thậm chí hứa chắc chắn từ đầu năm 2010 vẫn chưa thực hiện. Và theo ông, thị trường giảm mạnh không chỉ có bản thân nhiều NĐT bị mất tiền mà mục tiêu cổ phần hóa các DN nhà nước sẽ khó thực hiện theo đúng tiến trình. Khi đó, chính Nhà nước cũng sẽ bị mất tiền vì giá bán cổ phần sẽ thấp và nền kinh tế nói chung cũng chưa có những bước phát triển mạnh mẽ.

Nhiều CP blue-chips bị loại khỏi danh sách doanh nghiệp tiêu biểu

Ngày 25.8, Trung tâm Thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (CIC), đã công bố kết quả xếp hạng tín dụng 539 DN niêm yết trên sàn chứng khoán và 20 DN tiêu biểu năm 2010.

Trong số 539 DN của 20 nhóm ngành nghề được lựa chọn, ngành công nghiệp cao su và giấy có số lượng doanh nghiệp xếp hạng AAA (hạng tối ưu) chiếm tỷ trọng cao nhất 62%, tiếp đến ngành sản xuất tiêu dùng chiếm 50%...

Năm nay, trong 20 DN tiêu biểu trên hai sàn HOSE và HNX (mỗi sàn chọn 10 DN), bảng xếp hạng ghi nhận 6 DN giữ được vị trí của năm trước gồm Nhựa Tiền Phong (NTP), Viglacera Từ Sơn (VTS), Vinamilk (VNM), cảng Đoạn Xá (DXP), Hapaco Hải u (GHA), Xi măng Sài Sơn (SCJ). Điểm đáng chú ý là các DN có CP thuộc hàng blue-chips như FPT, KBC, ACB, VCG, PVS có trong danh sách năm ngoái năm nay không thấy xuất hiện, thay vào đó là các tên tuổi như Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT), Nhựa Bình Minh (BMP), Pin ắc quy miền Nam (PAC)... Sàn Hà Nội góp mặt NBP (Nhiệt điện Ninh Bình), VDL (Thực phẩm Lâm Đồng), NHC (Gạch ngói Nhị Hiệp), HAD (Bia Hà Nội - Hải Dương)...

Để được lọt vào Top 20, các DN phải có 3 năm liền được xếp hạng AAA, ngoài ra còn phải hội đủ tiêu chí như chỉ số xếp hạng của DN, lịch sử quan hệ tín dụng ngân hàng tốt; thu nhập/CP (EPS) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao.

Tại HOSE có 82/240 DN xếp hạng AAA (34,2%), HNX có 83/299 DN (27,8%).

Anh Vũ

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.