(TNO) Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới (vào rạng sáng nay 10.7, giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán thế giới đã ghi nhận sự giảm điểm trên diện rộng của các chỉ số lớn khắp từ châu Á, châu u sang Mỹ.
Đóng cửa sớm nhất, thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến sự giảm điểm mạnh mẽ của các chỉ số do tác động muộn của thông tin việc làm từ Mỹ hồi cuối tuần trước.
Đồng thời, số đơn đặt hàng máy móc tại Nhật Bản trong tháng 5 cũng giảm mạnh 14,8% so với tháng trước đó, theo số liệu từ Bộ Nội vụ nước này. Đây là mức sụt giảm đơn đặt hàng mạnh nhất tại Nhật Bản kể từ hồi năm 2001.
Chốt phiên giao dịch 9.7 (vào chiều cùng ngày, giờ Việt Nam), chỉ số MSCI Asia Pacific giảm mạnh thêm 1,4%, là mức giảm mạnh nhất kể từ phiên 4.6 tới nay.
|
Ghi nhận trên các thị trường thành viên trong khu vực: Nikkei 225 của Nhật Bản để mất 123,87 điểm trong phiên này, tương đương giảm 1,37%, xuống còn 8.896,88 điểm. HSI của Hồng Kông giảm mạnh 372,55 điểm, tương đương giảm 1,88%, chốt phiên ở mức 19.428,09 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 2,37% và 2,29%.
S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,95%, còn KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,19% trong phiên này; Straits Times của Singapore giảm 1,66%.
* Tại châu u, tuy biên độ giảm điểm của các chỉ số đã được co hẹp nhưng cũng không tránh được phiên giảm thứ 4 liên tiếp của khu vực này. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 0,4% trong phiên 9.7.
Có tới 14 trong số 18 thị trường tây u giảm điểm trong phiên cùng ngày. Cụ thể: Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,62%, xuống còn 5.627,33 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 0,38%, xuống chốt phiên ở mức 3.156,8 điểm; DAX của Đức cũng để mất 0,35% tổng số điểm, chốt phiên đầu tuần ở mức 6.387,57 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,75%. Trong khi đó, FTSE MIB của Ý bất ngờ tăng 0,59%.
Trong phiên này, cổ phiếu của các ngân hàng Tây Ban Nha giảm đồng loạt. Cổ phiếu của Bankia, ngân hàng lớn thứ 3 Tây Ban Nha giảm 1,8% giá trị; cổ phiếu của Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya lần lượt giảm 1,7% và 1,4%.
* Tại Phố Wall (Mỹ), các chỉ số chứng khoán mất điểm khi giới chuyên gia phân tích dự đoán lợi nhuận quý 2 năm nay của các công ty, doanh nghiệp Mỹ đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, là năm giảm đầu tiên kể từ 2009. Thông tin này đã phần nào gây tâm lý bất an cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Chỉ số thị trường S&P 500 giảm 0,2% xuống còn 1.352,46 điểm. Trong 3 phiên liên tiếp gần đây, chỉ số này đã giảm tổng cộng 1,6%. Chỉ số Dow Jones Industrial giảm 0,3%, xuống còn 12.736,29 điểm; Nasdaq Composite giảm 0,2%, xuống còn 2.931,77 điểm.
* Trên thị trường dầu thô, sự kiện công nhân các công ty khai thác dầu thô tại Na Uy, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 tây u, đình công đã khiến giá dầu tăng mạnh trở lại do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Giá dầu Brent trở lại mốc 100 USD/thùng.
Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 9.7, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 8 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX, Mỹ) ở mức 85,99 USD/thùng, tăng 1,54 USD/thùng, tương đương tăng 1,8% so với phiên cuối tuần trước.
Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tại London (Anh) cũng tăng mạnh 2,13 USD/thùng, tương đương tăng 2,2% so với phiên cuối tuần trước lên mức 100,32 USD/thùng.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
>> Chứng khoán thế giới tăng nhẹ phiên đầu tuần
>> Giá dầu thô giảm mạnh, chứng khoán thế giới "đỏ sàn
>> Chứng khoán thế giới khởi sắc trong phiên cuối tháng
>> Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm
Bình luận (0)