Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 được ghi nhận tăng thêm 1,8% trong phiên 6.10 (kết thúc rạng sáng nay, 7.10, giờ VN), chốt phiên ở mức 1.164,97 điểm. Tổng cộng trong 4 phiên vừa qua, chỉ số này tăng tới 3 phiên với tổng mức tăng là 6%. Dow Jones Industrial cũng giành thêm 183,38 điểm, tương đương tăng 1,7% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 11.123,33 điểm. Nasdaq Composite tăng 1,9%, lên thành 2.506,82 điểm.
Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng thuộc S&P 500 tiếp tục đi lên trong phiên này, đưa tổng mức tăng trong 3 phiên vừa qua lên con số 8,8%, là mức tăng 3 phiên liên tiếp mạnh nhất kể từ tháng 7.2009.
Chỉ số KBW Bank với sự góp mặt của 24 ngân hàng lớn nhất thế giới tăng 4,6% trong phiên này. Những biến động thị trường này đến sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố các hãng tài chính Mỹ hiện “đủ sức khỏe” và sẽ không có trường hợp nào sụp đổ như Lehmann Brothers cách đây hơn 3 năm.
Cổ phiếu của Bank of America tăng 8,8%; cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 5%; cổ phiếu Morgan Stanley tăng 4,8%; cổ phiếu Citigroup tăng 5,3%.
|
Trong phiên này, ngoài các tia hi vọng tới từ châu u về vấn đề quyết tâm giải cứu Hy Lạp và bảo vệ đồng euro, các thông tin nội bộ kinh tế Mỹ tiếp tục là động lực đẩy thị trường đi lên. Bộ Lao động Mỹ báo cáo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước (tính tới ngày 1.10) đã tăng thêm 6.000 trường hợp, lên thành 401.000 hồ sơ. Trước đó, các chuyên gia đã dự báo tăng lên 410.000 hồ sơ (theo kết quả khảo sát của Bloomberg).
* Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng thêm 2,7% trong phiên này khi các nhà hoạch định chính sách khu vực đang tiến gần tới một thỏa thuận cho việc giải quyết khủng hoảng nợ công, ngân hàng Bank of England mở rộng chương trình mua trái phiếu chính phủ. Tổng cộng trong 2 phiên vừa qua, STXE 600 đã tăng 5,9%.
Cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực cũng tăng giá mạnh trong phiên này. Tại Pháp, cổ phiếu của Credit Agricole tăng 5,3% trong khi cổ phiếu của BNP Paribas tăng 8,6%, cổ phiếu của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) tăng 4,5%.
Tổng kết trên các thị trường thành viên trong khu vực: chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3,71%, lên thành 5.291,26 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 3,41%, chốt phiên 6.10 ở mức 3.075,37 điểm; DAX của Đức tăng 3,15%, lên mức 5.645,25 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 2,68%; FTSE MIB của Ý tăng 3,55%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng 1,45%; ISEQ của Ireland tăng 2,79%; Athex Composite của Hy Lạp tăng nhẹ 0,61.
* Tại châu Á, sau 4 phiên giảm điểm liên tiếp kể từ cuối tuần trước, chỉ số MSCI Asia Pacific cuối cùng đã tăng trở lại nhờ các thông tin khả quan từ châu u và Mỹ. Kết thúc phiên 6.10 (vào chiều cùng ngày, giờ VN), chỉ số này đã tăng mạnh 3,2%, toàn bộ 10 nhóm ngành chính đóng góp vào MSCI Asia Pacific đều tăng điểm phiên này.
Cổ phiếu của các công ty xuất khẩu hàng hóa tại châu Á đã tăng trở lại, cụ thể: cổ phiếu của Sony (Nhật) tăng 4,7%; cổ phiếu của Li&Fung (Hồng Kông) tăng 4,3%; cổ phiếu Samsung Electronics tăng 1,5%; cổ phiếu LG Electronics tăng 6,3%.
Nhóm cổ phiếu tài chính ghi nhận mức tăng 4,7% của cổ phiếu HSBC tại Hồng Kông; cổ phiếu National Australia Bank tăng 5%.
Tổng kết phiên trên các thị trường thành viên trong khu vực: chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giành lại 139,04 điểm trong phiên 6.10, tương đương tăng 1,66% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 8.522,02 điểm. HSI của Hồng Kông tăng mạnh 922,01 điểm, tương đương tăng 5,67%, chốt phiên ở mức 17.172,3 điểm.
Chỉ số KOSPI (Hàn Quốc) tăng 2,63%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 3,65%; Straits Times của Singapore tăng 2,94%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa.
Tính từ đầu năm tới nay, MSCI Asia Pacific đã giảm 22%; STXE 600 giảm 19%, S&P 500 giảm 9%.
Thu Hạnh
Bình luận (0)