- Trước đây, tôi không tin rằng trẻ lớp 1 có thể học văn, trước đây tôi viết sách văn cho chương trình thực nghiệm cũng bắt đầu từ lớp 2. Nhưng bây giờ tôi xác định lại, trẻ lớp 1 học toán được thì cũng học văn được. Văn lớp 1 phải có cái lõi là sự đồng cảm, tôi cho các em thực hiện bằng trò chơi đóng vai, từ vai thương binh, người mù đến vai cô Tấm, người quét đường... Sách tiếng Việt của chúng tôi được viết gọn gàng, mở đầu đưa phương pháp vào luôn.
Tất cả các cuốn của chúng tôi, bài mở đầu là phương pháp, ai trông thấy cũng làm được.
Một môn nữa rất quan trọng là tiếng Anh. Học tiếng Anh là học lấy một cách học tiếng nước ngoài để có một cách thâm nhập vào một nền văn hóa khác, chứ không phải chỉ học thực dụng để giao tiếp.
Với môn lối sống, hiện tại gia đình nào cũng có 3 hệ thống đặc điểm: Thứ nhất là lối sống cổ truyền của những người lớn tuổi, thứ hai là cách sống kiếm tiền và hưởng thụ của những người trẻ, còn trẻ con sẽ “phân vân” đứng giữa hai cách sống này. Nếu như ở trường chỉ dạy trẻ theo lối truyền thống là không được. Vì vậy, chúng tôi đề nghị một hệ thống có trục là đi tìm sự đồng thuận. Tức là tập phát hiện xung đột, tập phát hiện đối kháng, tập phát hiện những điều mà mọi người mâu thuẫn với nhau, xong rồi để tìm cách giải quyết, tìm cách nhượng bộ, tìm cách thỏa hiệp, tìm cách thống nhất ý kiến, tìm ra các giải pháp để có thể sống với nhau.
“Lối sống” trong giáo trình này có gì khác so với “kỹ năng sống” mà bộ đang tích cực đưa vào trường học?
- Tại sao lại có “kỹ năng sống” – cái này là sự “giàu xổi”, phát sinh khi xuất hiện một thế hệ có tiền mà không biết tiêu, không biết dạy con cái nấu ăn, bị sứt sát chân tay không biết tự cứu chữa… Giả định việc dạy kỹ năng sống là đúng thì những kỹ năng đó cũng chỉ phục vụ cho cá nhân. Còn lối sống là để tổ chức cho cá nhân sống với cộng đồng. Ví dụ như cùng với việc bị thương thì kỹ năng sẽ dạy cách tự băng bó, nhưng lối sống là có thể tập thể băng bó cho cá nhân và cá nhân không chống đối lại sự băng bó đó.
Cách dạy của “Chào lớp 1” rất thú vị và hấp dẫn do sự tương tác mạnh mẽ giữa thầy và trò; nhưng cách dạy này sẽ làm giáo viên rất vất vả, và liệu có phải giáo viên nào cũng dạy được theo cách này không?
- Cách làm của chúng tôi dễ thực hiện. Trong tất cả các môn học, chúng tôi yêu cầu ba mức độ: Thứ nhất là đúng, thứ hai là thạo, thứ ba là thuần thục. Chúng tôi yêu cầu là phải 99% dạy đúng, không yêu cầu phải sáng tạo gì cả. Trên cấp của dạy đúng là dạy giỏi, nghĩa là dạy đúng nhưng hiểu được về mặt lý thuyết tại sao mình lại đúng. Và đối với học sinh cũng thế.
Tôi phản ứng với việc Bộ GDĐT đưa ra khái niệm giáo viên “không đạt chuẩn”. Quan điểm của tôi là không được phép mạt sát giáo viên, không được phép làm cho người giáo viên cảm thấy khổ nhục mà phải nâng cao người ta lên. Tôi cho rằng tôi đã tìm thấy cách để giáo viên nào cũng dạy được, hễ cứ tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra là dạy được.
Tại sao các ông đưa sách ra vào thời điểm này?
- Đây là thời điểm hợp lý để giới thiệu bộ sách, vì hiện nay Bộ GDĐT đang lúng túng, có kế hoạch cử người đi nước ngoài để học cách làm sách chuẩn bị cho việc viết chương trình, SGK mới. Đây cũng là một cách phản biện đối với bộ, vì nói lý lẽ thì không đủ, phải làm ra sản phẩm trực quan.
So với chuẩn kiến thức của Bộ GDĐT, bộ sách của “Cánh buồm” ở mức độ nào, đạt hay vượt, thưa ông?
- Chuẩn thì nước nào chẳng như nhau. Chuẩn thì cuối lớp 1, học sinh nào mà chẳng biết đọc, biết viết, biết cộng trừ. Nhưng vấn đề là làm thế nào để biết đọc, biết viết, làm thế nào để biết cộng trừ, phải không nào?
- Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động
Bình luận (0)