Chứng xơ cơ Delta: Không tập luyện, khó phục hồi

16/09/2010 12:51 GMT+7

Đây là đánh giá của nguyên cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lý Ngọc Kính.

Giữ nhiệm vụ vụ trưởng Vụ Điều trị, trực tiếp phụ trách chương trình phẫu thuật cho bệnh nhân xơ cơ Delta thời điểm 2006-2007, ông Lý Ngọc Kính đánh giá trong số 15.000 bệnh nhân xơ cơ Delta được phát hiện thời điểm 2006, còn khoảng 7-8% điều trị không hiệu quả, tức hơn 1.000 em.

“Phẫu thuật chỉ là biện pháp điều trị ban đầu, ngay sau đó trẻ cần tập phục hồi chức năng trong khoảng hai năm với bài tập đã được hướng dẫn cụ thể cho gia đình” - ông Kính cho biết.

Cần thêm dữ liệu

Tuy nhiên, qua khảo sát ở vài vùng của Hà Nội có số lượng trẻ mắc xơ cơ Delta lớn như xã Vật Lại (huyện Ba Vì), xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cho thấy thời gian tập phục hồi chức năng của trẻ rất ít. Có trẻ chỉ tập thường xuyên trong một tuần ở bệnh viện, còn sau khi về gia đình thì nhiều trẻ “thỉnh thoảng có tập” với hai loại bài tập thường thấy là kéo dây và đánh bóng.

Ông Lý Ngọc Kính đánh giá “cơ bản 15.000 bệnh nhân xơ cơ Delta phát hiện năm 2006 đã được điều trị, số bệnh nhân rải rác xuất hiện sau thời điểm này cũng đang được các bệnh viện địa phương tiếp tục phẫu thuật”.
Cũng theo ông Lý Ngọc Kính, trước thời điểm tháng 12-2009, địa phương cũng không báo cáo đầy đủ về hiệu quả điều trị, kết quả tập phục hồi chức năng cho 15.000 bệnh nhân xơ cơ Delta đã được phát hiện, nên rất khó đánh giá hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, từng có những thông tin nhiễu khi cho rằng “50% bệnh nhân xơ cơ Delta ở Vật Lại, Ba Vì điều trị không kết quả”, kiểm tra thì phát hiện người khảo sát chỉ đến một gia đình có hai bệnh nhân, một người điều trị có kết quả tốt, người kia không.

Nhưng muốn đánh giá hiệu quả của một chương trình khá lớn là phẫu thuật cho hàng ngàn bệnh nhân xơ cơ Delta và tập phục hồi chức năng, thì đến nay vẫn không thể vì không đủ dữ liệu.

Nên thay đổi phác đồ tiêm

Trong nghiên cứu cấp nhà nước về tỉ lệ mắc xơ hóa cơ Delta và mối liên quan với tiêm trực tiếp vào cơ Delta, do TS Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - chủ trì, cho thấy 683 bệnh nhân được nghiên cứu đều có tiền sử sử dụng thuốc tiêm vào cơ Delta trong thời gian điều trị tại bệnh viện trước đó.

Theo nghiên cứu, trẻ tiêm kháng sinh vào cơ Delta mắc xơ hóa gấp 1,5 lần so với trẻ không tiêm kháng sinh vào cơ Delta, đặc biệt những trẻ được tiêm nhiều lần trong ngày (khoảng sáu lần trở lên) có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn. Thời điểm tiêm vào cơ Delta cũng liên quan mật thiết với chứng bệnh xơ hóa của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh và từ 2 tháng đến 5 tuổi.

Do mối liên quan giữa tiêm kháng sinh vào vùng cơ Delta, TS Nguyễn Thanh Liêm khuyến cáo cán bộ y tế nếu bệnh còn có thể điều trị bằng đường uống, tốt nhất nên cho bệnh nhân uống thuốc thay vì chỉ định tiêm. Với các trường hợp cần thiết phải chỉ định tiêm, nên thay đổi vị trí tiêm, tiêm tĩnh mạch thay vì tiêm bắp. Và ở bất kỳ vị trí nào cũng cần phải đảm bảo kỹ thuật tiêm, tránh tai biến hoặc hậu quả không mong muốn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.