Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cả nước thiếu gần 76.000 giáo viên

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/01/2019 08:09 GMT+7

Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện thực hiện nó. Do vậy, làm thế nào để vừa có đủ số lượng, vừa cần nâng chất lượng đội ngũ cũng như cơ sở vật chất trường học được xem là những vấn đề mấu chốt.

Hôm nay (9.1), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc với lãnh đạo UBND và ngành GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Không để tình trạng thiếu giáo viên

Thiếu phòng học và trang thiết bị so với nhu cầu
Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất trường học, cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng (74,9%). Trong đó mầm non 64,9%, tiểu học 72,2% , THCS 83,4% , THPT 93,9%.
Về phòng học bộ môn, cấp THCS có 47.383 phòng/10.582 trường, tỷ lệ 4,5 phòng/trường. Trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33,135 phòng, đạt tỷ lệ 69,9%; cấp THPT có 13.019 phòng/2.463 trường tỷ lệ 5,3 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỷ lệ 76,6%).
Về trang thiết bị dạy học tối thiểu: mầm non đạt 47,9% so với nhu cầu, tiểu học đạt 56,1%, THCS đạt 54,3% và THPT hiện ở mức cao nhất, đạt 58,9% .
Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Tính đến tháng 10.2018, tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp toàn quốc như sau: nhóm trẻ: 1,77 GV/nhóm trẻ (thấp hơn so với định mức quy định là 0,73 GV/nhóm trẻ), mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (định mức quy định là 0,52 GV/lớp); tiểu học: 1,43 GV/lớp (so với định mức quy định, GV còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học); THCS: 1,99 GV/lớp (so với định mức quy định, về cơ bản đủ tuy nhiên vẫn thừa, thiếu cục bộ); THPT: 2,25 GV/lớp (so với định mức quy định về cơ bản là đủ).
Theo báo cáo của các sở GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số GV còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người, tiểu học: 18.953, THCS: 10.143, THPT: 3.161 người). Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 GV THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 GV THCS môn khác.
Cũng theo Cục Nhà giáo, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với GV trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đã trình Thủ tướng xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có GV giảng dạy.
Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành GD-ĐT các địa phương căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình mới tiến hành rà soát đội ngũ GV hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng GV còn thiếu, số lượng GV dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp GV hợp lý, không để tình trạng thiếu GV khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là GV dạy những môn học mới.

Chú trọng giáo viên các lớp đầu cấp

Bộ GD-ĐT cho hay sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo GV dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành, bồi dưỡng GV dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với những môn học mới đưa vào ở các cấp học đồng nghĩa với việc sẽ phải đào tạo mới GV để dạy các môn học này. Bộ GD-ĐT chỉ định cơ sở đào tạo GV nghệ thuật thực hiện đào tạo GV âm nhạc, mỹ thuật để dạy môn học giáo dục nghệ thuật ở cấp THPT. Ngoài ra, cần đào tạo GV chuyên ngành tiếng Anh, tin học ở tiểu học vì trong chương trình mới, những môn học này đã chuyển từ tự chọn sang bắt buộc…
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các địa phương chuẩn bị các điều kiện triển khai tập huấn, bồi dưỡng GV bảo đảm đồng bộ với lộ trình triển khai áp dụng chương trình mới và sách giáo khoa mới theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt chú trọng GV các lớp đầu cấp học.

Cần thêm nhiều phòng học chức năng

Để thực hiện chương trình mới, ở cấp tiểu học phải bảo đảm yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày; cấp THCS và THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.
Về thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT cho hay sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Khi thực hiện chương trình mới, các cấp học cần các phòng học bộ môn và chức năng như: giáo dục nghệ thuật, khoa học - công nghệ, tin học, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.