Chiều 3.5, Ban Phát triển chương trình (CT) giáo dục phổ thông mới chính thức thông tin với báo chí về kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên (GV), cán bộ quản lý về dự thảo các CT môn học, hoạt động giáo dục trong CT giáo dục phổ thông mới.
Vẫn nặng về trang bị kiến thức
Theo kết quả thực nghiệm mà ban này công bố thì GV và cán bộ quản lý các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của CT mới. Tuy nhiên, một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh (HS), nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó, một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức, dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho HS thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống.
tin liên quan
Thấy gì qua thực nghiệm chương trình môn học mới?Bà Ngô Thị Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng giảm tải rõ nét nhất ở dự thảo các CT môn học mới là về lý thuyết hàn lâm, thay vào đó là tăng cường thực hành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Giáo viên còn truyền thụ kiến thức một chiều
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới, cho rằng kết quả thực nghiệm cũng cho thấy, phần lớn các tiết dạy thực nghiệm diễn ra sôi nổi, mới mẻ. Một số GV còn linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian học, dùng hình thức trò chơi để HS học một cách thoải mái, hứng thú… Tuy nhiên, một số GV vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo được những giờ học hiệu quả, trong đó HS được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức. Có GV tuy tổ chức cho HS làm việc nhóm nhưng còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi HS hoạt động, tự tạo ra sản phẩm, đóng góp vào kết quả làm việc chung.
Nội dung không đáng sợ bằng phương pháp
Trả lời về việc tiếp nhận CT mới từ phía HS, bà Ngô Thị Hồng Liên cũng khẳng định: “Học trò rất hồn nhiên và dễ hào hứng với phương pháp giáo dục mới. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì năng lực của GV là vô cùng quan trọng”. Bà Liên cũng cho rằng việc học trò hào hứng với một vài tiết thực nghiệm cũng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tiết dạy này nên không có cảm nhận học trò sợ CT.
Từ thực tế đó, GS Thuyết cho rằng: Qua đợt thực nghiệm này, nhận thấy nội dung không đáng sợ bằng phương pháp, chỉ cần có phương pháp sẽ giải quyết được các vấn đề. Với những địa phương trước đó đã chủ động tập huấn cho GV phương pháp dạy CT mới theo hướng nâng cao năng lực HS thì kết quả của đợt thực nghiệm rất tốt, có chênh lệch lớn với các địa phương chưa phổ biến, tập huấn cho GV.
GS Thuyết cũng cho biết hiện nay tất cả các môn đều đã xây dựng đề kiểm tra, đánh giá, ít nhất mỗi cấp học có đề kiểm tra đánh giá về năng lực của HS. Những đề này sẽ trình ra hội đồng thẩm định để xin ý kiến trước khi áp dụng.
Bình luận (0)