Ngày 5.10, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có buổi kiểm tra trực tuyến một số trường THCS ở Hà Nội về việc thực hiện dạy học môn khoa học tự nhiên ở lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đó, một số cơ sở giáo dục và giáo viên chia sẻ họ lúng túng về việc sắp xếp nhiều giáo viên dạy các môn tích hợp, lần đầu xuất hiện ở chương trình mới, trong đó môn khoa học tự nhiên có tới 3 phân môn là vật lý, hóa học, sinh học, nên việc bố trí giáo viên dạy theo thời khóa biểu ra sao đòi hỏi các trường phải dụng công hơn cả.
Nếu dễ cho giáo viên thì sẽ khó cho học trò
Bà Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (Q.Long Biên), chia sẻ lúc đầu nhà trường sắp thời khóa biểu dạy đơn môn như trước: mỗi tuần có 2 tiết lý, 1 tiết hóa, 1 tiết sinh. Tuy nhiên, nếu dạy theo phương án này thì dễ cho nhà trường và giáo viên nhưng lại đẩy khó khăn về học sinh vì bị hạn chế trong tiếp thu bài.
Bà Yến chỉ ra rằng chương trình môn khoa học tự nhiên được thiết kế theo chủ đề và mỗi chủ đề lại phù hợp với từng bộ môn. Do vậy, nếu xếp thời khóa biểu tuần tự như trước thì đang dạy chủ đề vật lý, đến giờ hóa sẽ phải dạy sang một chủ đề khác và như thế học sinh sẽ không đươc học liền mạch nội dung, thậm chí làm “hỏng” chương trình do dạy học đảo lộn theo giờ dạy của từng giáo viên.
Do vậy, sau tuần đầu áp dụng, nhà trường họp giáo viên của môn để cùng phân tích kỹ về chương trình và nhận được đồng thuận từ giáo viên là nếu tiếp tục dạy như vậy học sinh sẽ khó tiếp thu và quyết tâm phải dạy tuần tự theo chương trình, theo chủ đề và chấp nhận vào một thời điểm nào đó giáo viên sẽ bị tăng tiết hơn mức bình thường.
Do vậy, Trường THCS Ngô Gia Tự đang áp dụng theo cách phân công giáo viên dạy hết từng chủ đề. Ví dụ, từ tuần 5 đến tuần 10 dạy chương “chất và sự biến đổi của chất”, bố trí giáo viên dạy môn hóa đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần. Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương “vật sống”, bố trí giáo viên môn sinh đảm nhiệm toàn bộ, thời lượng 4 tiết/ tuần. Tương tự với các tuần từ 19 đến 25… Như vậy, theo bà Yến, việc dạy học bảo đảm đủ 140 tiết/năm, đồng thời bảo đảm tính logic của chương trình Khoa học tự nhiên.
Bà Yến cũng cho hay, phương án dạy như vậy khiến ở một thời điểm nào đó giáo viên dạy các phân môn trong môn tích hợp khoa học tự nhiên sẽ phải tăng tiết. Ví dụ, vào các tuần dạy chủ đề do giáo viên môn vật lý đảm nhiệm thì thay vì chỉ dạy tối đa 19 tiết/tuần như thường lệ thì giáo viên này sẽ phải dạy tới 20-21 tiết/tuần. Tuy nhiên, bù lại vào những tuần dạy chủ đề liên quan đến môn sinh hoặc hóa thì giáo viên này lại chỉ dạy từ khối 7 trở lên, số tiết thấp hơn mức bình thường, với chỉ khoảng 14 tiết/tuần.
“Nhà trường sẽ vất vả hơn trong sắp xếp thời khóa biểu và kế hoạch dạy học thay đổi theo từng tháng, giáo viên cũng làm việc nhiều hơn ở một số thời điểm nhưng nhưng thầy cô đồng thuận, chấp nhận khó khăn để bảo đảm học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức”, bà Yến chia sẻ.
Không chỉ riêng THCS Ngô Gia Tự, bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Long Biên (Hà Nội), cho hay hiện 100% trường THCS trên địa bàn quận đã bố trí thời khóa biểu phù hợp, bảo đảm logic của chương trình môn khoa học tự nhiên.
“Đặc thù của môn học này nếu dạy song song 3 phân môn mỗi tuần sẽ rời rạc, đứt mạch kiến thức, vì thế học sinh rất khó hiểu, khó hình dung, khó nhớ”, bà Hà chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Q.Hai Bà Trưng), cũng cho biết đang áp dụng bố trí thời khóa biểu theo chủ đề môn học thay vì thời khóa biểu truyền thống, do vậy dự kiến trong học kỳ 1 sẽ có ít nhất 3 lần điều chỉnh thời khóa biểu với lớp 6 chứ không phải xây dựng thời khóa biểu theo cách truyền thống và áp dụng hết học kỳ như trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (màn hình trái), trong buổi kiểm tra trực tuyến về dạy học tích hợp môn khoa học tự nhiên ở lớp 6 với một số cơ sở giáo dục |
ảnh chụp màn hình |
Không đồng phục thời khóa biểu
Nhấn mạnh một trong những điểm mới nổi bật của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là môn tích hợp ở cấp THCS, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng cách thức tổ chức dạy học môn khoa học tự nhiên mà các trường chia sẻ tại buổi kiểm tra đã bảo đảm đáp ứng yêu cầu, thể hiện rõ tính mới của chương trình.
“Cần tiếp tục chức dạy học theo đúng tinh thần của môn khoa học tự nhiên; trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới sắp xếp dạy song song các chủ đề, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm”, ông Độ nêu yêu cầu.
Riêng với thời khóa biểu, Thứ trưởng Độ lưu ý cần sắp xếp linh hoạt, có thể không nhất thiết “đồng phục” 4 tiết khoa học tự nhiên/tuần mà có thể điều chỉnh tăng, giảm sao cho phù hợp, không quá tải cho giáo viên.
Ông Độ đồng thời lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch giáo dục của từng trường, và nhấn mạnh nội dung này được phân cấp cho nhà trường, do nhà trường quyết định, trong đó có việc sắp xếp thời khóa biểu. Do vậy, cơ sở giáo dục các cấp cần phát huy tinh thần tự chủ của các nhà trường trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, xếp thời khóa biểu bảo đảm khoa học, sư phạm, thực hiện đúng, hiệu quả, chất lượng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
“Với đội ngũ giáo viên hiện hành, việc xếp thời khóa biểu để dạy học môn khoa học tự nhiên theo đúng logic của chương trình là hoàn toàn thực hiện được. Vấn đề là nhận thức và sự quyết tâm thực hiện của hiệu trưởng, cùng tập thể sư phạm của nhà trường”, ông Độ nói.
Học sinh lớp 6 ở Hà Nội vẫn đang học theo hình thức trực tuyến |
ngọc thắng |
Đánh giá, cho điểm thế nào?
Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ban hành đầu năm học lưu ý trong đánh giá, cho điểm với một số môn học, hoạt động giáo dục mới ở lớp 6 như môn lịch sử và địa lý, môn nghệ thuật (gồm mỹ thuật và âm nhạc) sẽ cho điểm, nhận xét với từng phân môn.
Riêng đối với môn tích hợp khoa học tự nhiên, Bộ GD-ĐT không hướng dẫn cho điểm từng phân môn.
Trao đổi thêm với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lý giải vì môn này không chia phân môn và là môn học được thiết kế tích hợp về kiến thức nên chỉ tính điểm như một môn học.
Theo ông Thành, môn khoa học tự nhiên lớp 6 theo chương trình mới có tổng số 140 tiết. Theo quy định tại Thông tư 22, về kiểm tra đánh giá ở cấp THCS, THPT, ở phần kiểm tra đánh giá thường xuyên, giáo viên dạy nội dung nào sẽ thực hiện đối với nội dung đó; mỗi học sinh được đánh giá nhiều lần nhưng được ghi nhận 4 điểm đánh giá thường xuyên trong 2 học kỳ phù hợp với tiến trình dạy học. Điều đó có nghĩa là giáo viên không được chọn ghi điểm chỉ tập trung vào một số nội dung trong phân môn mà mình dạy.
Ông Thành nêu hình dung: môn khoa học tự nhiên cũng giống môn học khác, mỗi học kỳ có 1 điểm giữa kỳ và 1 điểm cuối kỳ, nội dung trong đề kiểm tra sẽ xây dựng theo tỷ lệ phù hợp với nội dung dạy học đến thời điểm kiểm tra đánh giá.
Bình luận (0)