Chuyện bảo vệ chính khách: Vành đai thép của Kremlin

16/12/2009 22:47 GMT+7

Đội ngũ bảo vệ cho các lãnh đạo Nga được coi là một vành đai thép, hay chiếc áo giáp của Điện Kremlin. >> Lỗ hổng xung quanh ông Berlusconi

Dưới thời Liên Xô, nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo Đảng và nhà nước được đặt trong tay của KGB, một guồng máy khổng lồ làm công tác phản gián, tình báo, nội an và hầu như bất cứ nhiệm vụ gì liên quan đến an ninh. Cụ thể, Cục 9 thuộc KGB đảm nhiệm công tác này.

Sau những đổi thay của lịch sử, Tổng thống Nga ngày nay cũng có một lực lượng bảo vệ hùng hậu và tinh nhuệ không kém thời trước và có lẽ cũng chẳng kém các vị lãnh đạo Mỹ.

Lực lượng khổng lồ

Là người đứng đầu một trong những quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh, Tổng thống Nga là mục tiêu tấn công của nhiều lực lượng khác nhau, trong đó đặc biệt là các nhóm khủng bố trong lòng nước Nga, như các tay súng Chechnya chẳng hạn. Theo báo Telegraph, tổng thống trước đây là Vladimir Putin từng mấy lần bị âm mưu ám sát. Có một lần vào tháng 2.2000, tại đám tang của ông Anatoly Sobchak, người bị đột tử trong một chuyến công tác. Lần thứ hai vào tháng 8.2000, tại một hội nghị quan trọng ở Yalta. Lần mưu sát thứ ba xảy ra vào năm 2002 khi ông thăm Azerbaijan. Nhưng trong tất cả các lần này, đặc vụ Nga đều không phải nổ súng. Nguy cơ đều được loại trừ từ trước, khi mới ở dạng âm mưu.

Bảo vệ tổng thống là một nhiệm vụ bắt buộc đã được luật hóa. Theo điều 7, Luật Bảo vệ Nhà nước, “Tổng thống Liên bang Nga, lúc còn tại vị, không được từ chối sự bảo vệ”. Và nhiệm vụ bảo vệ hiện nay được đặt trong tay Cơ quan Bảo vệ liên bang Nga (FSO). FSO ra đời hồi năm 1996, được thành lập trên nền tảng Cục 9. FSO có một đội ngũ gồm khoảng 20.000 đến 30.000 nhân viên đồng phục và hàng ngàn nhân viên thường phục, đảm trách hàng loạt nhiệm vụ khác nhau, trong đó bảo vệ yếu nhân là nhiệm vụ hàng đầu. Lực lượng này cũng có nhiệm vụ kiểm soát va-li hạt nhân Cheget, một bộ phận quan trọng của lực lượng hạt nhân Nga và là biểu tượng quyền lực chính trị của tổng thống.

Các nguồn tin nước ngoài cho hay FSO cũng làm nhiệm vụ bảo vệ hệ thống đường tàu điện ngầm Số 2 ở Moscow. Đây là một hệ thống giao thông dành cho các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không phục vụ đại chúng. Đến nay hệ thống này “mặt mũi ra sao” vẫn là một điều bí ẩn. Có thông tin cho rằng hệ thống này nằm ở độ sâu từ 50m đến 200m, nối từ Điện Kremlin tới Cơ quan An ninh liên bang, sân bay Vnukovo và một thành phố ngầm.

FSO được trao nhiều quyền hành đặc biệt, trong đó có quyền thực hiện một số cuộc khám xét, bắt bớ không cần trát tòa cũng như quyền ra lệnh cho các cơ quan khác.

Không gì xuyên thủng

Ông Putin và tổng thống hiện nay Dmitry Medvedev luôn có bốn vòng bảo vệ mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Vòng trong cùng là những vệ sĩ lực lưỡng với tai nghe, cặp luôn kè kè trong tay - mà thực chất là những tấm khiên chắn đạn. Nhiệm vụ của các vệ sĩ này là dùng thân mình che chắn cho tổng thống. Vòng thứ hai gồm những người mặc thường phục ẩn mình giữa đám đông. Nhóm này thậm chí có thể thường xuyên “sờ mó” người này người kia trong đám đông để phát hiện vũ khí. Tiếp đó là những người đứng bao quanh nhằm ngăn chặn những người muốn áp sát tổng thống. Vòng xa nhất là những xạ thủ bắn tỉa, được bố trí trên các mái nhà, sân thượng. Hỗ trợ cho lực lượng này là các loại xe và thiết bị đặc chủng. Bốn vòng này được mệnh danh là vành đai thép, không gì có thể xuyên thủng.

Khi lên nắm quyền vào năm 1999, ông Putin đã đề bạt Viktor Zolotov đứng đầu cơ quan bảo vệ tổng thống thuộc FSO. Nhóm này được mệnh danh là “Những gã áo đen”. Zolotov từng là công nhân cơ khí, sau đó chuyển sang làm vệ sĩ trong thập niên 1990 và từng làm cận vệ của Anatoly Sobchak, cố Thị trưởng Saint Petersburg. Zolotov được miêu tả là một trong những vệ sĩ xuất sắc nhất của nước Nga đồng thời là người vạch ra những tiêu chuẩn mới cho lực lượng bảo vệ tổng thống.

Để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân, các ứng viên cũng cần đáp ứng những điều kiện hết sức khắt khe. Vào năm 2008, một nhân viên của FSO tiết lộ một số tiêu chuẩn của những người muốn trở thành cận vệ của tổng thống. Ứng viên không được quá tuổi 35, có sức khỏe đặc biệt, chiều cao từ 1,8m trở lên và cân nặng từ 75 đến 90 kg. Người muốn trở thành vệ sĩ tổng thống cũng cần có một lý lịch “chuẩn”, đặc biệt phải là người Slave. Đó là những “tiêu chuẩn hồ sơ”, còn khi đã vượt qua giai đoạn này, các ứng viên được tuyển dụng phải thể hiện được các phẩm chất tinh túy khác, chẳng hạn như bắn bách phát bách trúng.

FSO ưu tiên những người có kinh nghiệm trong quân ngũ, nhưng lại quay lưng với các cựu cảnh sát. Họ nói rằng những người đã qua nghề cảnh sát thì thường có thói quen bắn chỉ thiên và có xu hướng tìm mọi cách bắt tội phạm. Với cận vệ tổng thống thì lại khác. Điều cần kíp là phải tinh tường, phản xạ nhanh, không cần bắn chỉ thiên, không cần bắt giữ thủ phạm mà phải chĩa thẳng mũi súng vào mục tiêu và bóp cò. Với cận vệ Tổng thống Nga, một kẻ tấn công kiểu như gã đàn ông đã cầm tượng ném vào mặt Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi mới đây có thể đã lãnh một phát đạn gọn ghẽ.

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của mình, đội ngũ bảo vệ Tổng thống Nga được trang bị các loại súng chuyên dụng, trong đó có các thế hệ AK hiện đại nhất, lựu đạn, thậm chí cả tên lửa vác vai.

Các chuyên gia an ninh cho rằng lực lượng này có thể đánh lui một đơn vị quân đội cỡ nhỏ.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.