Chuyện bên ngoài phóng sự

18/01/2008 23:09 GMT+7

Bất cứ ai là bậc cha mẹ đều không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ bị hành hạ tại "nhà trẻ" tư thục 1/2 Võ Thị Sáu, P.Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phát trên sóng VTV tối 15.1 (Xem video clip). Và những người làm phóng sự truyền hình cũng không ngoại lệ...

Nước mắt người làm phim

Sau khi phóng sự được phát sóng, những ngày qua điện thoại đường dây nóng của Đài phát thanh và truyền hình Đồng Nai (ĐNRTV) trở nên quá tải vì những cuộc gọi chia sẻ của khán giả khắp cả nước. "Có ngày riêng điện thoại của tôi nhận đến 60 cuộc" - nhà báo Hoàng Minh, Trưởng phòng Thời sự ĐNRTV cho biết. Mà điều lạ, theo anh Minh, là có đến trên 90% các cuộc gọi do đàn ông gọi đến xin được chia sẻ, trút nỗi bức xúc về hành vi đánh đập trẻ tàn nhẫn của "bảo mẫu" Quảng Thị Kim Hoa.

Nhưng ít ai biết được phóng sự gây chấn động dư luận cả nước được khởi sự từ một lá đơn nặc danh gửi đến Ban Thời sự ĐNRTV. Nặc danh, nhưng trong đơn viết khá chi tiết những hành vi đánh đập, có địa chỉ và cả những chỉ dẫn cần thiết để phóng viên có thể xác minh, tác nghiệp. "Nhận được đơn, chúng tôi đã họp và nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, cần khẩn trương vào cuộc để phanh phui" - nhà báo Hoàng Minh nhớ lại. Sau đó, anh xin chủ trương của Ban Giám đốc Đài, hội ý lãnh đạo Ban để tìm người thích hợp giao việc. Tiêu chí chọn người vào cuộc là: "Những người đang làm cha, làm mẹ, có con cùng lứa tuổi để tìm sự đồng cảm cao và sẵn sàng vào cuộc một cách quyết liệt nhất".


Bé Đạt vẫn hay khóc thét lên dù trong vòng tay của mẹ - ảnh: C.T.V

Hai nhà báo trẻ M. và Q. được giao thực hiện phóng sự điều tra. Cả M. và Q. đều dưới 30 tuổi và đều đang có con nhỏ, cùng lứa với những đứa trẻ - nạn nhân trong phóng sự. Cầm lá đơn bạn đọc gửi, hai nhà báo trẻ đi điều nghiên hiện trường, tận mắt thấy những cảnh đánh đập trẻ nhỏ tàn nhẫn khiến họ không thể cầm được nước mắt. Quyết tâm càng dâng cao, dù qua tìm hiểu người dân quanh khu vực biết gia đình nhà giữ trẻ không thuộc dạng "hiền".

Cái khó là làm sao để ghi được những hình ảnh, âm thanh một cách trung thực nhất và giữ được bí mật đến phút cuối với chiếc máy quay truyền hình to chình ình? Sau nhiều ngày nghiên cứu, nhóm tác nghiệp tìm được điểm ghi hình thuận lợi nhất, nghĩ ra cách ngụy trang máy quay, ghi âm thanh... Một bản kế hoạch tỉ mỉ được vạch ra, trình lên lãnh đạo và... "OK". Hai nhà báo trẻ lao vào cuộc.

Nhưng có kế hoạch rồi, không phải cứ đến quay cái rụp về dựng là xong. Bởi hình ảnh phát trên sóng truyền hình đòi hỏi phải rõ nét, âm thanh phải trung thực. Yêu cầu tưởng đơn giản đã "ngốn" mất gần cả tháng trời của hai nhà báo trẻ. Bởi vậy, mới có những cảnh nhóm làm phim theo chân ghi hình phụ huynh đón các cháu về tận nhà mà những người này không hề hay biết. "Chúng tôi phải quay nhiều ngày để thấy được hành vi hành hạ trẻ em của bà Hoa lặp đi lặp lại, đồng thời để chọn những hình ảnh, âm thanh tốt nhất đưa vào phóng sự. Anh biết không, cứ hôm nào đi quay về, đêm nằm ôm con vào lòng là hình ảnh những đứa trẻ bị hành hạ trong phóng sự lại ào về và tôi không thể cầm được nước mắt" - M., đồng tác giả của phóng sự kể.

Nước mắt cha mẹ

Ngày 17.1, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giao Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.2.2008.

Phó thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở nhà trẻ, giáo dục mầm non trên phạm vi toàn quốc, rà soát lại các quy định về điều kiện mở các cơ sở này, việc cấp phép hoạt động, công tác thanh tra, kiểm tra, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở không đủ điều kiện, các hành vi bạo lực đối với trẻ em tại các cơ sở này theo quy định của pháp luật; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cụ thể đối với các ngành chức năng, UBND các cấp, nhất là cấp xã, phường tăng cường công tác quản lý, kiểm tra để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo, xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân để xảy ra hành vi bạo lực đối với trẻ em trên địa bàn.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng giao Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chiến lược Bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2008.

Theo website Chính phủ

Chiều 14.1, phóng sự hoàn tất, Ban Giám đốc ĐNRTV quyết định chuyển ngay tới VTV để cùng phát sóng ngay buổi tối. Nhưng rồi do một số trục trặc, phải đến tối hôm sau 15.1, phóng sự mới lên sóng truyền hình quốc gia.

Khi xem phóng sự trên VTV và ĐNRTV, anh Phan Văn Phong, cha của bé Phan Văn Đạt, không thể tin vào mắt mình. Đang công tác ở một tỉnh miền Tây, anh Phong xin phép trở về nhà ngay trong đêm và được lãnh đạo đơn vị đồng ý. Vừa đi anh vừa liên lạc về nhà, nghe tiếng nấc của vợ qua điện thoại mà không thể cầm được nước mắt.

Bé Đạt mới 14 tháng tuổi, là con thứ hai của anh Phong và chị Võ Mỹ Phụng. Đạt cũng là đứa nhỏ nhất trong những đứa trẻ gửi ở "nhà trẻ" của bà Hoa và bị bà Hoa đánh nhiều nhất. Trưa 18.1, chúng tôi tìm đến căn nhà của anh Phong ở cuối con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Bé Đạt đang ngủ thiếp vì mệt sau khi cùng cha mẹ đến Công an Biên Hòa để đi giám định sức khỏe. Ngồi bên đưa võng cho con, gương mặt chị Phụng buồn rười rượi, thỉnh thoảng chị lại đưa tay chấm nước mắt.

Chị Phụng kể, do kinh tế gia đình khó khăn, chủ yếu trông vào hơn triệu bạc lương lái xe ở một cơ quan nhà nước của anh Phong, nên sau khi bé Đạt được 1 tuổi, chị phải đem gửi trẻ để phụ chồng làm kinh tế. Đến nhà trẻ công lập thì chưa đủ tuổi nên bị từ chối. Dò hỏi các nhà trẻ tư nhân, nghe qua người khác giới thiệu, anh chị quyết định đem con gửi vào nhà bà Hoa, dù tiền công cao hơn các nơi khác. "Khi chúng tôi đến xin gửi cháu, bà Hoa niềm nở, ngọt ngào lắm, bảo "Cứ yên tâm, chị cũng có đứa con bị viêm phổi và suyễn nên biết cách chăm cho cháu" (bé Đạt bị viêm phổi và suyễn). Lần nào đến đón cháu về cũng thấy cháu tươm tất, bà Hoa bế ra tận cửa, vì thế cũng không nghi ngờ gì. Vả lại, mấy lần tôi thấy sốt ruột, lén đến nhà bà Hoa dòm xem cháu thế nào thì đều không đúng vào giờ ăn, thấy cháu đang ngồi với những đứa trẻ khác nên lại càng tin tưởng". Đang nói chuyện, bé Đạt khẽ cựa mình, hé mắt nhìn người lạ rồi khóc thét. Chị Phụng nựng: "Mẹ xin lỗi con vì đã gửi con vào nơi người ác, để người ta đánh đập..." và cũng bật khóc theo.

 "Giờ tôi chỉ mong sao kết quả giám định cháu không bị gì. Thế là mừng lắm rồi" - chị Phụng nói trong nước mắt.

Ồ ạt tố cáo bà Hoa khi vụ việc vỡ lở

Sau khi bà Hoa bị bắt, đơn thư tố cáo cũng tới tấp gửi đến cơ quan chức năng, có cả những người bồng con đến cơ quan công an tố cáo...

Cụ thể nhất là sáng 17.1, một phụ nữ tên Vân, khai ở P.Tân Mai, bồng theo bé gái 3 tuổi, tên Huỳnh Thị Mỹ Duyên, đến Công an Biên Hòa tố cáo bà Hoa, dù bé Duyên không có trong danh sách 7 đứa trẻ tại "nhà trẻ" của bà Hoa khi vụ việc được phanh phui. Công an Biên Hòa sau khi lấy lời khai của chị Vân đã đưa bé Duyên đi giám định sức khỏe. Theo thông tin Thanh Niên nắm được, kết quả cho thấy bé Duyên bị sưng nề đỉnh đầu phải; xây xát gò má trái; xuất huyết góc ngoài kết mạc mắt phải; bầm tím đỉnh vai phải, trái; bầm tím bả vai; bầm tím mặt trước giữa cánh tay trái. Công an còn cho bé Duyên đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 giám định tâm lý, chụp X. quang, điện não, điện tâm đồ...

Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng công an TP Biên Hòa, cho biết hiện vẫn tiếp nhận các đơn thư tố cáo, thông tin liên quan đến vụ việc.

Ông Trần Thanh Quang, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP Biên Hòa, cho biết vào ngày 13.11.2007, từ tin báo của quần chúng, Phòng GD-ĐT đã lập đoàn kiểm tra nhóm giữ trẻ của bà Hoa. Khi đoàn đến nơi, bà Hoa và những người nhà đã ngăn cản, không cho vào kiểm tra. Phải đến khi có sự can thiệp của chính quyền P.Quyết Thắng thì đoàn kiểm tra mới vào được bên trong. Biên bản kiểm tra phản ánh cơ sở giữ trẻ của bà Hoa không có phép, diện tích không đảm bảo, không tổ chức giảng dạy theo quy định và đặc biệt là "theo phản ánh của phụ huynh là đánh các cháu nhưng theo cơ sở chỉ là hù dọa để các cháu ăn nhanh". Cuối cùng, đoàn "đề nghị địa phương tiếp tục theo dõi và giúp cơ sở chăm sóc trẻ tốt hơn".

Trả lời câu hỏi vì sao cơ sở không có phép lại không yêu cầu ngưng hoạt động, ông Quang cho biết trách nhiệm của Phòng chỉ quản lý chuyên môn, qua kiểm tra đã hướng dẫn cơ sở cách chăm sóc và giáo dục trẻ (!?), còn việc cấp phép, đôn đốc hay xử lý là trách nhiệm của địa phương theo Nghị định 49/2005 của Chính phủ. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một văn bản ký ngày 6.9.2007, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa Trương Văn Lâm đã giao cho Phòng GD-ĐT tái cấp phép hoạt động cho các nhóm mầm non ngoài công lập trong 2 năm 2007 - 2008 và 2008 - 2009. Với văn bản này, không thể nói Phòng GD-ĐT đã làm hết trách nhiệm.

Nhóm PVXH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.