Theo ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, trong 6 tháng đầu năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện, tập thể và lãnh đạo UBND huyện xác định công tác QLBVR, quản lý đất đai, nhất là đất lâm nghiệp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên đã thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện. Hằng tuần, Thường trực UBND huyện cùng các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra thực tế công tác QLBVR để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị xử lý đối với các vấn đề phức tạp có liên quan, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm, Đội 12/TTg của huyện đã chủ động xác định các vùng trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để tăng cường tuần tra, truy quét và tham mưu UBND huyện chỉ đạo ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định. Vì vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã từng bước đi vào ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra, truy quét và phát hiện 12 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 18 vụ, tương đương 60% số vụ so cùng kỳ năm 2021). Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng và UBND các xã, thị trấn tổ chức giải tỏa 308.139 m2 diện tích trồng cây; 147,5 m2 nhà chòi và rào kẽm gai, trụ bê tông trái phép trên đất lâm nghiệp. Tổ chức trồng cây xanh trên đối tượng đất ngoài lâm nghiệp 508.619 cây; trồng rừng mật độ dày làm dải phân cách giữa rừng và đất sản xuất nông nghiệp là 50ha; trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất cây nông nghiệp ổn định là 633 ha ...
Việc giải tỏa, trồng lại rừng trên diện tích lấn chiếm được ngành chức năng chú trọng thực hiện |
Dù vậy, công tác QLBVR vẫn còn một số tồn tại mà nguyên nhân do địa bàn huyện có diện tích tự nhiên khá lớn, nhiều nơi đường giao thông đi lại khó khăn, có nhiều dân tộc sinh sống, sản xuất xen kẽ trong và ven rừng. Nhận thức của một số người dân về công tác QLBVR còn hạn chế. Nhu cầu sử dụng và giá trị sản phẩm từ rừng ngày càng tăng, nhu cầu đất sản xuất tăng cao, do vậy, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và lén lút phá rừng còn xảy ra.
Trong khi đó, lực lượng QLBVR hiện rất mỏng, quản lý diện tích rừng và đất rừng lớn, trung bình mỗi nhân viên quản lý gần 700ha rừng, đất rừng. Công tác tuyển dụng cho các Ban quản lý rừng gặp nhiều khó khăn vì yêu cầu trách nhiệm quá lớn, lương thấp (mới tuyển dụng chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng/người), hay va chạm với đối tượng manh động; điều kiện phương tiện trang bị cho lực lượng QLBVR như vũ khí tự vệ, công cụ hỗ trợ còn chưa đủ mạnh để trấn áp các đối tượng; các chế tài xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp còn thấp so với mức lợi nhuận mang lại từ vi phạm nên chưa có tính răn đe cao...
Cũng theo ông Hoàng, trong thời gian 6 tháng cuối năm 2022, UBND huyện sẽ tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo điều hành nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; đề ra các biện pháp cụ thể, hữu hiệu, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể để từng bước khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác phối hợp QLBVR; thường xuyên, liên tục tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về QLBVR trên địa bàn theo quy định; việc xử lý vi phạm đảm bảo kiên quyết, đúng quy định, không có vùng cấm, không có ngoại lệ... Đồng thời tập trung thực hiện chương trình trồng 50 triệu cây xanh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Bình luận (0)