Chuyển biến trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

15/11/2021 09:06 GMT+7

Triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22.11.2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết trên.

Đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 21-CTr/TU ngày 18.1.2013để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự phối hợp của các sở, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ý thức của người sử dụng lao động, người lao động và người dân về việc tham gia BHXH, BHYT nâng lên rõ rệt. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tiếp tục được đẩy mạnh, đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT, BHXH Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk.

Nhân viên đại lý thu BHXH (bìa trái) ở H.Krông Ana (Đắk Lắk) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện

Trung Chuyên

Tính đến 31.12.2020, toàn tỉnh có 115.061 người tham gia BHXH, tăng 20.566 người so với năm 2012 (tăng 21,8%); có 1.673.926 người tham gia BHYT, tăng 399.110 người so với năm 2012 (tăng 31,3%); 89.787 người tham gia BHTN, tăng 9.821 người so với năm 2012 (tăng 13,9 %), tỷ lệ tham gia BHTN so với lực lượng lao động là 8,27%. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk đã có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT, BHYT tự nguyện thường xuyên dài hạn; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho người nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; BHYT cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn... HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh…

Đóng góp tích cực của ngành BHXH tỉnh

Tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW do ông Phạm Minh Tấn, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk ký ban hành, Tỉnh ủy đánh giá cao đóng góp của ngành BHXH tỉnh. Nhiều năm qua, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, quản lý của ngành; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT; trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”… Số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân ngày càng tăng và 100% số người hưởng ốm đau, thai sản nhận qua tài khoản cá nhân.

Trong giai đoạn 2021-2030, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của T.Ư, của tỉnh về thực hiện chính sách BHXH, BHYT; xây dựng ngành BHXH của tỉnh phát triển hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp… “Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 21-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác BHYT, BHXH; đưa nhiệm vụ về công tác BHYT, BHXH vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để thực hiện. Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách BHXH và mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân”, Tỉnh ủy Đắk Lắk yêu cầu.

Theo Chương trình số 29-CTr/TU ngày 21.8.2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách BHXH, mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, Đắk Lắk phấn đấu đạt khoảng 20% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Đến năm 2030, các tỷ lệ tương ứng tăng lên 30%, 3% và 25%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.