Không đợi đến khi cậu nha sĩ bảo anh rằng phải nhổ chiếc răng số 8 bên phải này đi, nó không chỉ là nguyên nhân gây ra những thứ phiền toái anh đang chịu mà còn nhằm bảo vệ chiếc răng liền kề vốn đang làm chủ lực cho vấn đề nhai, anh đã biết điều này từ cách đây hai mươi năm, lần nhổ chiếc răng số 8 bên trái.
|
Hồi đó anh còn trẻ, tất nhiên là phải khỏe. Chiếc răng không hề gây phiền hà gì cho anh nếu không có một lần anh đi lấy nha chu. Ông nha sĩ già, nhiều kinh nghiệm, gần như nức tiếng trong thành phố vì… êm tay đã cảnh báo anh phải giải quyết cả hai chiếc răng mọc lệch trong cùng này, nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh. Ông đưa ra nhiều ví dụ cụ thể của sự phức tạp khi phải sống chung với những cái răng mang tên khôn mà thường mọc rất… ngu.
Không biết trước thì chẳng gì phải lo. Điếc không sợ súng là vì thế. Anh nhớ, anh đã rất tự tin khi ngồi vào ghế nhổ răng và chắc mẩm không mất hơn nửa giờ sẽ xong, phía sau anh còn loạt người ngồi đợi. Vậy mà, ca nhổ răng hai mươi năm trước ấy đã phải mất hơn 3 tiếng và anh không nhớ chính xác bao nhiêu mũi thuốc tê tiêm vào lợi. Ông nha sĩ già vốn quen kiểu tự tin của người nhiều kinh nghiệm đã vấp phải một ca khó đỡ, có hơi chút luống cuống và bẽ bàng.
Thời đó, một phòng răng nhỏ không có máy chụp
X-quang là chuyện bình thường, nhưng rõ ràng ông già đã rất chủ quan khi không cho chụp phim trước khi nhổ răng; hay cũng có thể hai thập niên trước người ta không quan trọng việc phải xem cái chân răng nằm ngang dọc thế nào.
Tất nhiên, cuối cùng nó phải xong với bao thao tác đục, cưa, đẽo, gọt… của ông nha sĩ già mới lấy được cái răng lên làm tư làm tám không còn nguyên vẹn. Ông hể hả phát hiện ra rằng đó là cái chân răng kỳ dị nhất, hai đuôi chân răng đánh móc câu ngược ra hai bên đều như vểnh râu của anh hề, lần đầu tiên ông gặp phải (riêng anh thì nghĩ, cái sự hể hả này nhằm vớt vát chút ít cái gọi là uy tín). Đến khi anh trở ra, phòng răng không còn một ai, họ đã đợi lâu quá và bỏ cuộc!
Đã ổn đâu. Phải một năm sau, phần lợi ngay chỗ nhổ răng mới yên lành. Không phải do thịt anh độc mà trong thời gian đó, thỉnh thoảng nó lại nhú ra một vài mảnh xương răng nhỏ. Trước khi nhú lên, nó cũng khiến anh điêu đứng vì nhức. Tuy vậy, nó cũng cho anh biết được cảm giác sung sướng vô bờ mỗi khi gắp mảnh răng ra khỏi thịt. Không chỉ nhẹ nhõm bởi rũ bỏ được một vật vướng vất, khó chịu, mà còn hài lòng về khả năng đẩy lùi các thứ không phù hợp trong cơ thể ra bên ngoài vẫn hoạt động tốt.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo dù nó được đánh giá là tốt đẹp. Dư chấn thuốc tê để lại khiến hàm bên trái của anh có lúc bị mất xúc giác, và thường trực hơn là cảm giác không thật mỗi khi anh lấy ngón tay đưa đẩy một bên cằm cùng kéo theo nhiều hệ lụy; nhưng thôi, nó không thuộc phạm trù của chiếc răng khôn phải giải quyết kỳ này, sau đúng hai mươi năm!
Bởi lý do đó mà anh nấn ná giữ chiếc răng (không) khôn bên phải ngần ấy năm (thật ra anh cũng không nhớ đến nó). Và đến thời điểm hiện tại, cậu nha sĩ cho anh lời khuyên cuối cùng, không những nhổ bỏ cái răng mà còn phải tiến hành bọc sứ răng liên kề nếu muốn duy trì cuộc sống có chất lượng hơn.
Ngày xưa anh sợ máu, nhìn thấy nó là anh hãi. Ngồi vào ghế nhổ răng cứ chốc chốc phải chồm dậy súc miệng, nghĩ đến đoạn đó anh đã thấy ớn lạnh rồi. Biết rằng, giờ đây đã có máy hút sạch sẽ, tiện nghi, không còn cảnh nhổm ngồi lên, lại nằm xuống. Hơn nữa, phim chụp rành rành ra đó, cái chân răng có hai nhánh thẳng tưng, không cong quẹo như anh em của nó, chỉ phiền việc mọc lệch đã khiến nó ngả hẳn vào răng kế cận, kéo theo câu kết luận của cậu nha sĩ: “Răng của chú là răng khó”.
Anh tin, không phải câu miệng lưỡi để có cớ tính chi phí nhổ răng cao mà bởi anh đã một lần kinh nghiệm. Và cậu ta làm một thủ thuật gì đó để tách rời hai cái răng ra mà anh ngửi thấy một mùi rất khét của xương bị cưa hay mài.
Thật ra, chung quy cũng do anh quá tưởng tượng, suy diễn tự làm khổ mình. Cho nên lúc ngồi vào ghế “nóng” anh thấy tay chân lạnh ngắt và tim đập liên hồi kỳ trận khi mũi tiêm thứ nhất ấn vào lợi. Đến mũi tiêm thứ ba thì anh hoàn toàn mất kiểm soát tình trạng của mình. Mắt anh nhắm cứng đến nỗi cậu nha sĩ phải cảnh báo anh mở mắt ra và anh cảm giác họ đang cười cái sự yếu bóng vía của mình, khi đó anh mới hồi tỉnh đôi chút.
Huyết áp anh có hơi cao, chàng phụ việc nói như vậy. Anh lại đâm lo khi thấy cậu nha sĩ cứ đi qua lại vẻ rất thản nhiên. Từng tuổi này, trải bao nhiêu rồi anh dư sức nghiệm ra đó chỉ là chiêu trấn an anh một cách vô tình mà chủ ý, nếu không nói là diễn hơi vụng, nhất là khi ngồi vào ghế cậu ta kiếm câu chuyện làm quà với vài câu hỏi về gia đình, công việc mà anh cho rằng rất vu vơ, thậm chí kém duyên. Hỏi mà không đợi hay chú ý nghe câu trả lời.
Tuy nhiên, không hiểu sao, khi anh nhắm mắt lại cùng với những tiếng loạt soạt, lách cách của các dụng cụ y khoa va chạm vào nhau, anh bỗng nghe âm thanh của cơn mưa rào mùa hạ rơi trên mái ngói. Mưa bóng mây ào đến rồi tạnh nhanh. Anh thấy bầu trời trong xanh, những khu vườn mới hơn sau mưa, vạt hoa sao nhái vàng tươi, hàng dâm bụt đỏ thắm xen kẽ màu hồng dịu mắt và bầy cỏ nhú lên xanh nõn. Lũ nấm vươn e ấp nhưng khẳng định một sự tồn tại nhỏ bé và quyết liệt. Đám tơ hồng rối chằng trên một tán cây to kéo rũ xuống ánh bóng lên chuỗi sắc màu ma mị.
Và gió, gió hát trên lá, gió đùa trên những cánh đồng, gió vờn trên khóm hoa, gió kĩu kịt vạt tre già.
Anh thấy mình đi trên đường ruộng mấp mô gập ghềnh. Trước mặt, sau lưng anh sóng vờn lượn một màu vàng bát ngát tận chân núi. Ngôi nhà phía cuối con đường có cây phượng đỏ rực. Bên hông nhà là hàng dừa in bóng xuống mặt ao mà anh biết nếu đến gần hơn anh sẽ thấy hoa văn uyển chuyển trên một tấm lụa với những màu sắc rất huyền ảo. Đó là màu của mây trời, của cây lá, của nước, của nắng… được pha trộn một cách tinh tế khó có bàn tay họa sĩ nào tài hoa hơn nữa. Chỉ có màu của vạn vật tự nhiên và hình ảnh nhìn bằng mắt mới là sự thật không tô vẽ.
Dường như có một đợt rung lắc nhẹ khiến anh cảm thấy hơi choáng. Là dư chấn của một trận động đất hay cơn dằn xóc nhẹ khi chiếc xe bất ngờ đi qua một ổ gà, hay huyết áp anh tăng đột ngột? Anh không rõ lắm, nhưng ở trạng thái mơ mơ màng màng, anh nghe ai đó nói vẳng bên tai rằng lấy cục bông và kêu anh cắn chặt hàm lại. Anh choàng tỉnh, mới biết chiếc răng số 8 đã chính thức rời bỏ anh. Đợt rung lắc nhẹ là thao tác quyết định cuối cùng của cậu nha sĩ.
Giấc mơ đã kết thúc, ảo ảnh không còn, anh có chút tiếc nuối khi chưa đi hết con đường ngoằn ngoèo để vào ngôi nhà sát chân núi, bên trong ngôi nhà ấy có gì, chủ nhân của nó như thế nào, cuộc sống của họ ra sao? Và, anh cảm thấy bâng khuâng khi nhớ lại màu hoa phượng đỏ in trên nửa nền trời và nửa mái tranh, đó là màu tổng hòa của một giai điệu đẹp, nên thơ, vừa gần gũi, thân thương, vừa xa lạ, hờ hững.
Cậu nha sĩ nhìn anh cười:
“Chú thấy nhổ chiếc răng
lần này có nhẹ nhàng hơn đợt trước không?”.
Anh nói lời cám ơn. Làm sao so được khi điều kiện, thời điểm, môi trường và tâm trạng con người khác nhau hoàn toàn. Càng khập khiễng hơn khi đọ cái hiện tại thẳng tưng với cái bị bẻ cong trong quá khứ.
So sánh trước và sau hai mươi năm để kết luận một điều gì là hoàn toàn vô nghĩa. Bản chất cuộc sống là vận động, có thể phát triển hay chậm lụt, nhưng để đánh giá chậm lụt vẫn phải dựa vào quy luật của phát triển.
Chiếc răng đi rồi nhưng nó còn hành anh một buổi chiều và tối hôm đó với cơn nóng lạnh đột ngột mà anh không hiểu tại sao cơ địa mình lại phản ứng nhạy cảm đến thế.
Gọi là “nằm bệnh” một ngày, anh suy nghĩ vẩn vơ về quy luật của đời người. Bất cứ thứ gì do con người tạo ra đều có vòng đời của nó. Sinh ra, lớn lên, đau bệnh và tàn lụi rồi biến mất. Ngay cả bê tông cốt thép cũng theo luật định của sinh - lão - bệnh - tử như con người. Chẳng ai thấy để chứng minh được sau biến mất là cái gì, ngoại trừ những câu chuyện kể truyền khẩu hay qua hình ảnh, nhất là giờ đây có sự hỗ trợ của công nghệ 3D, 4D, n chiều, tiếp tay cho con người làm nên cái gọi là huyền thoại, tưởng tượng là nguồn gốc của bịa đặt. Rồi mọi thứ sẽ nhạt phai, không để lại dấu vết, chẳng ai nhớ bởi chẳng ai có thì giờ để nhớ, nhắc lại thoáng qua đã là quý. Đơn cử nhỏ nhất từ một chiếc răng, hiện diện trong con người lúc phôi thai, theo con người ngần ấy thời gian tùy điều kiện và mất đi qua từng giai đoạn phụ thuộc vào điều kiện. Có cái tồn tại cho đến tàn lụi, có cái rời đi sớm. Sớm hay muộn thì cũng lụi tàn. Chẳng có bộ sưu tập nào tồn tại vĩnh viễn cho dù chủ nhân của nó có bảo vệ kỹ đến đâu từ đời này sang đời khác; bằng chứng là thế giới ngày càng mới, một vài thứ cũ giữ lại chỉ có ý nghĩa khơi gợi trong chốc lát, rồi người ta sẽ quên ngay. Đứng lại đồng nghĩa với suy tàn.
Những suy nghĩ như thế cứ quẩn quanh trong đầu anh tùy theo từng đợt đau âm ỉ hay dâng trào. Anh bỗng thấy lòng buồn vô hạn mà không hiểu rõ ràng lý do của nỗi buồn là gì?
Còn nữa, hậu quả để lại là lộ ra một lỗ khá to trên mặt hông của chiếc răng liền kề. Giải pháp mà cậu nha sĩ đưa ra là phải làm răng sứ trùm lên răng thật bởi ở vị trí ấy không thể trám được. Răng sứ, kỹ thuật tối ưu nhất ngành nha khoa của thế kỷ 21 cứu tinh cho cái đẹp. Giả mà thật, thật mà giả. Giả bao trùm sự thật. Thật nấp trong cái giả. Giả thật sống chung hòa bình. Sự thật nằm trong cái giả giúp con người sống được lâu hơn, tồn tại một niềm an ủi rằng tuy nó giả mà là thật, ít ra cũng có cái lõi của sự thật ẩn mình trong đó. Vậy là quá tốt rồi!
Lại nữa, trong một câu chuyện trà dư tửu hậu, một người hỏi anh kinh nghiệm nhổ răng số 8 ở đâu, phải kiêng cữ gì trong thời gian đợi nướu lành hẳn. Anh chưa kịp trả lời thì người khác chen ngang, giọng rất kẻ cả, ta đây biết nhiều, thông thái: “Giữ được răng thì cố mà giữ. Nhổ một cái răng tổn thọ ít nhất hai năm” làm anh chột dạ.
Đúng là con người có thể quyết định được vận mệnh của mình. Nếu cho mệnh là hằng số không đổi thì vận là biến số phụ thuộc vào tình huống, thời điểm; vận mệnh tuy là một quy luật khách quan của sự sống, nhưng có gì mà con người không can thiệp được để hình thành nên cái gọi là điều chỉnh? Dông dài thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà làm gì, muốn kết thúc sớm hai, bốn hay sáu năm thì cứ thế mà tính số răng tiễn lên đường. Ngay và luôn, nhanh gọn lẹ. Đó là kết luận của một người sau khi cạn chén trà pha rất đặc và rất đắng!
Tất nhiên anh không mất công làm con tính trừ mệt óc về tuổi thọ của mình đã bớt đi mấy năm với hai chiếc răng số 8 đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Với anh, mọi thứ đều có bàn tay sắp đặt. Thế nhưng, gã kia không chịu. Gã cứ khăng khăng, chính anh đã vô tình cắt giảm đi vài năm sống và can ngăn người có ý định nhổ chiếc răng số 8 là nếu sống chung được thì cố mà sống. Không phải cuộc chia tay nào cũng tốt đẹp!
Riêng anh thì nghĩ, cũng đúng thôi, ngàn năm con người hiện diện trên trái đất, nhiều hành tinh trong hệ mặt trời đã được khám phá; công nghệ số đưa con người toàn cầu xích lại gần nhau chỉ bằng một thao tác click chuột, khoa học kỹ thuật tiến nhanh như vũ bão..., nhưng chiếc răng khôn bé tí vẫn còn gây nhiều tranh cãi cho các nhà khoa học bởi chức năng không rõ ràng và những phiền toái chung quanh nó. Và, giữa việc nhai (ăn) được và không nhai (ăn) được, tại thời điểm hiện tại, bên bàn trà, anh chọn giải pháp sống là phải nhai (ăn) được.
Mọi thứ rồi cũng êm. Anh nhai được cả hai bên hàm, tuy có hơi mất cảm giác chút ít do ảnh hưởng của thuốc tê để lại bởi anh bị chứng “dị ứng thuốc tê”, mà có lần cậu nha sĩ đã cảnh báo. Tuy nhiên, cuộc sống của anh giờ đây không phụ thuộc vào việc nhai mà lại bị vướng víu bởi cái lỗ chân răng sâu hoắm không chịu lồi thịt lên gây bất tiện cho anh, mỗi khi ăn xong phải súc miệng tức thì cho thức ăn rớt ra.
Anh bỗng nhiên trở thành người kỹ tính và quá ư sạch sẽ trong mắt các đồng nghiệp nữ mà anh nghe lóm họ nói lén sau lưng. Anh cảm giác dường như họ ngày càng e dè anh hơn. Họ quan niệm đơn giản dựa trên nguyên lý rất căn bản, một người bỗng dưng chi li quá mức tức phải có thay đổi tâm sinh lý nào đó. Họ làm sao biết được chỉ vì một hạt cơm nằm trong lòng cái hố của chiếc răng số 8 đã nhổ bỏ đi khiến anh trở nên như vậy!
Và cuối cùng, anh kết luận đó là vận mệnh. Mệnh là hằng số nhưng vận là biến số, thay đổi từ tồn tại sang biến mất, từ phóng khoáng sang kỹ lưỡng, từ được người khác ân cần, thân thiện chuyển sang xa lạ, cảnh giác. Bình thường thôi mà!
Tuy nhiên, đó không phải là điều anh quan tâm. Mối bận tâm duy nhất của anh là khi nào cái lỗ chân răng được lấp đầy thịt? Anh hỏi cậu nha sĩ và nhận được nụ cười ý nhị, phải chờ chú ơi, mà cũng có thể nó chẳng bao giờ lấp đầy, xóa hẳn đi dấu vết!
Tự nhiên, anh hiểu rõ ý nghĩa nụ cười vừa tế nhị, vừa ranh mãnh, rằng, quan tâm làm gì đến vận mệnh khi bước chân đã đi về phía hoàng hôn và từ từ xuống dốc. Còn có được cảm giác nhai (ăn) ngon là may lắm rồi!
Ừ nhỉ, trong cái xấu nghĩ về cái ít xấu. Nhìn xuống để thấy tồn tại là hạnh phúc, biết bao điều/thứ/người còn kém may mắn hơn anh. Chỉ có một lỗ răng chưa - hay vĩnh viễn sẽ không lồi thịt và lành lặn, chút bất tiện và (nếu thêm) là những ánh mắt dè chừng của các cô bạn đồng nghiệp thôi mà. Có gì to tát đâu?
Đời, chỉ có tự mình làm khổ mình mà thôi!
Bình luận (0)