'Tôi đã từng trách ông Trời. Nhưng sau này tôi nghiệm được rằng không phải cái gì cũng đổ lỗi cho số mệnh được. Số mệnh do mình tạo ra. Phải biết chấp nhận sự thật và cùng con vươn lên', anh Khương nói.
Đã bao nhiêu năm qua, anh Khương đã bên cạnh con từng chút một đến trường như thế này - Ảnh: Tú Sơn |
Ít ai biết anh Trần Khương, người cha trong bài viết 'Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc', chỉ học hết lớp 12, là một thợ may và gia đình anh vẫn nằm trong diện hộ nghèo của phường.
Số mệnh do mình tạo ra
Nếu nói cuộc đời mỗi con người có một số mệnh thì số mệnh của anh Khương có lẽ là gắn chặt với mảnh đất Sài Gòn và làm tất cả vì con. Chỉ có khác, anh là người chủ động tạo ra số mệnh cho mình.
Năm lên lớp 10, anh Khương được bố mẹ ở Quảng Ngãi gửi vào nhà bà con ở TP.HCM để học THPT. Nhưng học hết 3 năm THPT, anh không vào được ĐH, đi làm đủ thứ nghề để sinh sống.
Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc
Một người cha 44 tuổi kiên cường cùng con bị câm điếc bẩm sinh trải qua 18 năm khổ luyện để học hành. Đến nay, họ đã học những bài học cuối cùng của bậc phổ thông. Hành trình của hai cha con làm lay động lòng người...
Sau vài năm, anh trở về quê làm nông, tưởng như sẽ gắn chặt đời mình với quê nhà. Nhưng năm 1996, khi lập gia đình, anh lại nung nấu quay trở lại thành phố để có điều kiện cho con cái mình sau này có nơi phát triển tốt nhất.
Anh vào Sài Gòn trước, bé Khả Ái sinh ở Quảng Ngãi sau đó một năm, rồi mới vào đoàn tụ cùng anh. Nhưng bao nhiêu ước vọng về con trước đó của anh tưởng chừng tan vỡ khi phát hiện Khả Ái bị câm điếc bẩm sinh.
"Tôi nghiệm được rằng không phải cái gì cũng đổ lỗi cho số mệnh được. Số mệnh do mình tạo ra" - Ảnh: Tú Sơn
|
Ngày đó, quá đau đớn, anh và vợ đã ôm nhau khóc. Khóc vì tại sao ông Trời lại bất công với con mình như vậy. Bởi, vào thời điểm đó, internet chưa phổ biến, thông tin rất hạn chế, vợ chồng anh gần như bế tắc. Đó cũng là lần khóc đầu tiên và cũng là cuối cùng vì tật bệnh của con.
Nhưng ngạc nhiên thay, Khả Ái lại vô cùng mạnh mẽ. Trước mặt anh chị, chưa bao giờ em khóc vì số mệnh của mình. Em tự nhận thức được bản thân để tự mình nỗ lực.
“Tôi đã từng trách ông Trời. Nhưng sau này tôi nghiệm được rằng không phải cái gì cũng đổ lỗi cho số mệnh được. Số mệnh do mình tạo ra. Phải biết chấp nhận sự thật và cùng con vươn lên”, anh Khương nói.
Khả Ái (bìa phải) cùng bạn bè trong lớp học - Ảnh: Tú Sơn
|
Ròng rã nhiều năm theo con lên lớp, rồi về dạy lại con, anh là một người thầy ngoài lớp học của con. Nhưng Khả Ái còn có những người thầy khác. Là mẹ của em, cô giáo ở nhà, kiên nhẫn dạy em học từng chút một từ lúc nhỏ đến lớp 6.
Khi Khả Ái mới mang máy trợ thính, chị là người chạy đi tìm xin giáo trình can thiệp sớm để về dạy cho con. Chị cũng là người bé Khả Ái luôn thủ thỉ từ khi bước vào tuổi dậy thì. Đó còn là em trai của Khả Ái, hiện tại học lớp 11, nhưng lại chỉ cho chị học Toán. Em trai của Khả Ái vừa đoạt huy chương vàng Olympic môn Toán toàn thành phố.
Mong viết tiếp nhật ký
Trong những dòng cuối cùng của nhật ký lay động lòng người viết trên Facebook, anh Khương nói: “Tôi muốn viết nữa để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đọc nhưng do con đường của con tôi chỉ mới đi đến đây. Tôi mong một ngày nào đó có thể cho các bạn đọc chương tiếp theo: đại học - và ước mơ giúp đỡ người khiếm khuyết...”.
Hai cha con luôn gắn bó khắng khít với nhau - Ảnh: facebook anh Trần Khương
|
Anh chị đều làm may, và công việc đó giờ đây cũng trở thành nghề nghiệp mơ ước sau này của Khả Ái. Em muốn vào đại học, trở thành một nhà thiết kế thời trang và mở một cửa hàng. Nhưng đằng sau đó còn là một mơ ước khác, em mong muốn từ cửa hàng này có thể giúp thêm được việc làm cho những người khiếm khuyết như em. Khả Ái muốn mình dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho họ.
Mơ ước ấy đang ngày càng gần hơn với em. Được chứng nhận khuyết tật nặng, Khả Ái sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT. Em sẽ có điều kiện tập trung vào những môn học là thế mạnh của mình như Toán, Hóa, Lý, Sinh để lấy điểm xét tuyển vào đại học.
Ít tháng nữa thôi, hi vọng nhật ký của anh sẽ có thêm chương mới. Chương chỉ có những niềm vui sau một hành trình 18 năm trời đầy kinh ngạc.
Hãy sát cánh cùng con
Anh Khương kể những ngày vừa qua có rất nhiều bố mẹ có con bị câm điếc bẩm sinh như Khả Ái liên hệ với anh. Nhiều người còn phát hiện tật bệnh của con sớm hơn cả anh. Nhưng phụ huynh lại gặp rắc rối trong việc dạy con vì bé không chịu hợp tác.
Theo anh Khương, để thành công, điều quan trọng là phải sát cánh cùng con. Và phải cực kỳ kiên nhẫn. Cần tạo điều kiện cho con giao tiếp và hội nhập với thế giới xung quanh. Đừng vì những lời dèm pha mà đánh mất tương lai của con mình. Rất nhiều em không giao tiếp bình thường được, chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, bởi bố mẹ không biết cách dạy con và đã tự “buông xuôi”, ngừng hi vọng.
|
Bình luận (0)