Chuyện chưa kể ở buôn Đôn

08/12/2004 10:57 GMT+7

Lúc này mùa mưa Tây Nguyên đã chấm dứt, một dự định ngắm hoa quỳ vàng rực của thời khắc giao mùa đã không thành. Nhưng lúc này đây, những vạt hoa cỏ dại trắng xóa dọc theo các triền núi đã khiến chúng tôi phải sững sờ vì một vẻ đẹp khác lạ của Tây Nguyên.

Nhưng thật ra, chỉ với một màu hoang dại ấy không thôi vẫn chưa đủ để làm say lòng người. Những câu chuyện hư hư, thực thực của những con người Tây Nguyên - nơi hết thảy dòng sông đều chảy ngược từ Đông sang Tây để rồi đắm đuối ở thượng nguồn dòng Mê Kông đã khiến mảnh đất này như sâu thẳm, kỳ bí hơn.

Ngược đường 14 từ Pleiku về Buôn Ma Thuột, những rừng cao su, rừng thông cứ nối dài tít tắp. Mùa mưa vừa qua đi, mùa khô thật sự vẫn chưa đến nên không khí thật dễ chịu. Cao nguyên Đắk Lắk với những dòng thác hùng vĩ - thác Draysap quanh năm bụi nước tung lên trắng xóa, thác Dray H' ling mãnh liệt trên dòng Sérepok nổi danh - vốn đã tốn quá nhiều giấy bút lâu nay. Mỗi một tên thác mỗi một chuyện tình trắc trở, huyền thoại vượt qua sắc tộc, qua môn đăng hộ đối. Rồi một buôn Đôn - thánh địa của vua voi - hết sức kỳ bí. Vừa đi tôi vừa thầm nghĩ cầu cho ở những nơi này không phải gặp những "sơn nữ", những "nài voi" giả hiệu từ dưới... xuôi lên - căn bệnh cố hữu của nhiều khu du lịch ăn xổi lâu nay.

Tôi đã chi 100 ngàn đồng để có 30 phút ngồi vắt vẻo trên lưng chú tượng 50 tuổi có tên Buol Nhăl lang thang dọc theo buôn Đôn với đầy đủ địa hình lên rừng, xuống suối. Nài voi là anh Ylư Bul Krong, người dân tộc Mơ nông cho biết có người đã gạ mua chú tượng này với giá 100 triệu đồng - cả một gia tài lớn đối với anh. Có điều đối với gia đình anh - từ đời ông nội đến giờ - voi Buol Nhăl đã như một thành viên như bao người khác. Với 2 mẫu đất trên rừng, Buol Nhăl đã cùng gia đình anh Ylư Bul Krong cày cấy, khuân vác từ hàng mấy chục năm nay. Buol Nhăl cũng không đòi hỏi gì nhiều, mỗi khi tối đến nó lại được thả lên rừng tự do kiếm ăn. Sáng sớm tinh mơ, gia đình anh Ylư Bul Krong lại theo dấu chân voi để dẫn chú về nhà.

Năm tháng qua đi, nếp sống gia đình và hàng xóm anh Ylư Bul Krong đã thay đổi thế nên cuộc đời Buol Nhăl cũng thay đổi theo. Từ chuyện chú không còn được thả rông trên rừng nữa vì sợ người lạ dẫn mất, hoặc giả chú ăn mất hoa màu nương rẫy người khác. Và khi cơn sốt du lịch ào đến, sau mùa lúa từ tháng 7 đến tháng 9 chú lại được trưng dụng để chở du khách rong ruổi đây đó. Vẫn thấy Buol Nhăl nhẫn nại lắm, dường như những bó mía mà du khách thưởng cho đã làm dịu đi nỗi nhớ rừng già sâu thẳm. Cũng lạ một điều khi tôi thấy giữa anh Ylư Bul Krong và Buol Nhăl có một sự ăn ý, hiểu nhau vô cùng. Cố gặng hỏi, anh chỉ bảo: "Có gì đâu, muốn nó rẽ qua trái thì lấy chân thúc vào lỗ tai phải, rẽ phải thì thúc ngược lại". Tôi hỏi thêm: "Nếu tôi muốn hắn quay ngược lại thì làm sao". Anh Ylư Bul Krong cười cười chưa kịp nói thì đột nhiên một bà cụ cầm bó mía chạy sau lưng voi chào mời chúng tôi nãy giờ kêu lên thất thanh: "Mía nè voi". Vậy là chú voi chẳng cần anh Ylư Bul Krong phát tín hiệu thúc chân đã quay ngoắt lại đón lấy bó mía. Chúng tôi cười ngất trước vẻ mặt chân chất hồn nhiên của Ylư Bul Krong.

Nài voi Ylư Bul Krong tại buôn Đôn. Ảnh: Nhã Bình

Cũng tại buôn Đôn, tôi có dịp nếm ly chè đậu đen ngọt lịm của mẹ Tèo. Chị người Lào và là cháu gọi vua voi Khun Jiu Nop nổi tiếng khắp vùng Đông Dương bằng cố. Gặng hỏi tên thì chị bảo, phụ nữ khi có chồng phải gọi theo tên con. Mẹ Tèo có chồng là người Kinh, chị chỉ nhớ mang máng về ông cố với tài săn bắt, thuần dưỡng voi, hoặc chuyện của ông ngoại làm "hoàng tử" oai phong như thế nào. Nhưng cũng chỉ mang máng thôi. Tôi chợt nghĩ - giá như ngành du lịch chịu khó đầu tư một chút thì những câu chuyện do chính anh Ylư Bul Krong hay mẹ Tèo kể lại chính là "sản phẩm du lịch" độc đáo nhất, sống động nhất của Tây Nguyên. Đằng này, những pho tư liệu sống như vậy vẫn vất vả mưu sinh kiếm từng đồng bạc lẻ với những "sản phẩm du lịch" quá đơn sơ như ly chè, bó mía voi ăn, bó măng le hái trên rừng. Ngồi bán kế bên mẹ Tèo là mẹ Buol Lal - năm nay chị mới 35 tuổi nhưng có đến 6 đứa con. Chị người dân tộc Ê đê có chồng người Mơ nông. Mỗi sáng chị dắt 3 đứa con nhỏ nhất, một đứa địu trên lưng, một đứa trước ngực, một đứa lẫm chẫm bước theo chị với đoạn đường trên 20 cây số để đến đây bán mía. Chị bảo chồng chị thì lo lên rừng kiếm măng le về bán. Cũng “chua” lắm, cả một bao tải măng tươi phơi ra cũng chỉ được độ trên 1 ký khô bán được 20 ngàn đồng. Công việc thì cực khổ nhưng coi bộ chị lúc nào cũng vui, chị chỉ nghĩ đơn giản là vợ chồng, con cái khỏe mạnh, đủ gạo ăn, thi thoảng một tuần được một... bữa cá biển là hạnh phúc lắm rồi.

Ngồi tán chuyện với mẹ Buol Lal mới thấy chị có cả một kho chuyện kỳ bí. Từ những phương thuốc bí truyền của vua thuần dưỡng voi A Ma Kong đến thang thuốc để phụ nữ hiếm muộn sinh được con. Mẹ Buol Lal cầm lên mấy thang thuốc bảo tôi rằng: "Một thang tui bán có 30 ngàn đồng nhưng ít ai mua lắm. Một ông khách nói với tui là thuốc có hay cách mấy nhưng giá rẻ quá ai tin. Mà thiệt nghe cô, cũng thang thuốc như vầy em gái tui bán bên Biệt điện tới 80 ngàn đồng người ta mua quá trời. Nhưng tui làm vậy không được".

Chuyện nọ xọ chuyện kia, chị lại kể tôi nghe chuyện con gái Ê đê thường theo họ mẹ đi cưới chồng. Ở trong nhà dài là cả một đại gia đình ông, bà, con cháu. Mỗi khi có cô con gái nào lập gia đình, căn nhà lại dài thêm ra. Biểu tượng cho chế độ mẫu hệ đã thể hiện rõ nhất ở cầu thang "nhà dài". Nó hình dạng như con thuyền lướt sóng biểu hiện cho sức sống cao nguyên. Đầu cầu thang có hình mặt trăng và bầu vú như hàm ý và hướng về một cái gì sung mãn, hoàn hảo. Và hầu như mọi vật ở đây đều khoác một vẻ huyền bí của thần linh. Chẳng vậy mà con số 7 tâm linh đã không gắn chặt đến kỳ bí với chiếc ghế dài Kpan. Muốn đẽo Kpan người Ê đê phải tìm cho được những thân cây có vòng ôm của 7 thanh niên lực lưỡng. Và trước đó bất luận thế nào người ta cũng phải cúng Giàng 7 bát nước, 7 bát thịt, 7 bát xôi (!). Cũng chỉ ở đây, người ta mới biết có một cách đo độ âm vang núi rừng bằng những chiếc trống. Một già làng ở buôn Đôn bảo rằng hai mặt trống được bịt bằng hai tấm da của hai con trâu đực và cái. Tiếng vỗ trống sẽ kêu vang nếu đó là da trâu đực. Cũng như khi vỗ vào mặt da trâu cái tiếng trống sẽ nghe như trầm đục, bi ai. Mỗi tiếng kêu đều biểu đạt chuyện vui hay chuyện buồn trong buôn làng.

Hồng Hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.