Chiều 11.4, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P. (Thái Sơn Bộ Q.P).
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với hàng loạt nội dung, gồm: giả mạo hồ sơ, tài liệu (Báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn giá trị gia tăng… không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp); chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku;
Vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng như kê khai, giả mạo hồ sơ về Báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng, đồng thời, doanh nghiệp này còn có dấu hiệu trốn thuế hàng trăm tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2009, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (viết tắt là Tổng Công ty Thái Sơn) có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá 10,2 tỉ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó tổng giám đốc, đại diện quản lý 21%; và ông Cung Đình Minh, Tổng giám đốc, quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong quá trình hoạt động, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhiều lần thay đổi giấy phép kinh doanh và chuyển nhượng cổ phần.
Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho thấy, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 - 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan Thuế, nhưng không được kiểm toán. Trong khi đó, các hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các chi nhánh của Ngân hàng BIDV (Thành Đô, Bà Chiểu…); hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km123-Km268) và hồ sơ dự thầu một số gói thầu xây lắp thấy, các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán nhưng qua xác minh, một số đơn vị tư vấn đã xác nhận không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.
Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỉ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỉ ồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).
Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án.
Không đủ năng lực vẫn được chọn trúng thầu, rồi "bán cái"
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, tài sản cố định đủ hồ sơ chứng minh đến thời điểm năm 2017 của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có tổng giá trị theo nguyên giá khoảng 120 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là 1 bồn chứa dầu và khoảng từ 10 đến 40 xe ô tô du lịch từ 4 đến 7 chỗ ngồi, không có máy móc, thiết bị phục vụ thi công, xây lắp các công trình được giao nhận thầu.
Theo sổ sách, kế toán tiền lương từ khi thành lập (tháng 9.2009) đến tháng 12.2014, Công ty có rất ít lực lượng nhân công, chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ… và một số rất ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (các năm 2009, 2010, 2011, 2013 chỉ có 1 người, năm 2012 không có, đến 12/2014 mới có 4 người thuộc Phòng dự án).
Theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có kê khai về kinh nghiệm đã tham gia một số dự án với vai trò là nhà thầu, nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào tương tự như Hồ sơ yêu cầu hay Hồ sơ mời thầu, và sau khi được lựa chọn, trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện...
Như vậy, thực chất Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu…
Theo Thanh tra Chính phủ, tại Dự án khôi phục cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức BOT kết hợp BT do Bộ Giao thông Vận tải chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh, công trình được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015; tổng vốn đầu tư là 4.110 tỉ đồng. Tuy nhiên, cả 3 nhà đầu tư đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt;
Theo đề xuất của nhà đầu tư, "mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước quy định" là không đúng quy định của Bộ Tài chính nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án 7 đánh giá đạt để Bộ Giao thông vận tải lựa chọn làm nhà đầu tư.
Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thực hiện thi công Gói thầu số 23, sau đó, đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện.
Như vậy, mặc dù các điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P chưa đáp ứng yêu cầu và không đúng quy định nhưng vẫn được Tổ chuyên gia đấu thầu, Ban Quản lý dự án 7 trình để Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chỉ định Nhà đầu tư tại Quyết định số 4208/QĐ-BGTVT ngày 20.12.2013 và được chấp thuận giao gói thầu số 23, nhưng lại chuyển nhượng thầu, vi phạm khoản 8a, điều 89 luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26.11.2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.
Bình luận (0)