Chuyện cũ của quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Kỳ

04/05/2008 23:15 GMT+7

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đã từng bị buộc thôi việc vì có hành vi "gợi ý và nhận hối lộ" khi còn là nhân viên hướng dẫn du lịch của Công ty Du lịch TP.HCM. Ngày 27.3.2008, ông Nguyễn Quốc Kỳ được bổ nhiệm làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ngày 12.4.2008, Báo Thanh Niên có đăng một bài phỏng vấn ông Kỳ về những vấn đề của du lịch Việt Nam. Ngay sau khi bài phỏng vấn được đăng tải, một số bạn đọc đã gọi điện và đến tòa soạn phản ứng về tư cách của người vừa được bổ nhiệm làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

 

Một bạn đọc đã cung cấp cho Thanh Niên một tài liệu liên quan đến ông Nguyễn Quốc Kỳ khi ông còn làm việc tại Công ty Du lịch TP.HCM. Đó là Quyết định số 003/QĐKL-DL ngày 1.8.1990 của Công ty Du lịch TP.HCM "về việc kỷ luật buộc thôi việc cán bộ công nhân viên". Quyết định này ghi rõ: "Nay thi hành kỷ luật buộc thôi việc anh NGUYỄN QUỐC KỲ, sinh ngày 13.9.1958, địa chỉ thường trú 251 Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh, là nhân viên Phòng hướng dẫn du lịch, mức lương 290đ. Lý do: Lợi dụng nhiệm vụ đang làm đã gợi ý và nhận hối lộ 10 chỉ vàng để gửi người không đủ tiêu chuẩn vào làm việc ở Xí nghiệp ô tô Saigontourist".

Kèm theo Quyết định buộc thôi việc là Biên bản họp Hội đồng kỷ luật của công ty ngày 3.7.1990. Tại biên bản này, ông Nguyễn Quốc Kỳ thừa nhận sự việc (gợi ý và nhận hối lộ) và đề nghị Hội đồng kỷ luật xem xét hoàn cảnh để giảm nhẹ. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật, Giám đốc Công ty Du lịch TP.HCM Dương Văn Đầy kết luận: "Anh Kỳ có vi phạm pháp luật và đã công nhận, thể hiện vấn đề này không phải vô tình". Do ông Nguyễn Quốc Kỳ "thành khẩn, nhận thức việc làm sai trái", nên Hội đồng kỷ luật không đề nghị khởi tố vụ án mà chỉ thi hành kỷ luật buộc thôi việc.

Quyết định buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Quốc Kỳ (ngày 1.8.1990)

Bạn đọc cung cấp tài liệu cho Thanh Niên cho rằng một người vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội hình sự, sau khi bị xử lý có thể trở thành một người tốt. Nhưng cơ quan Nhà nước khi xem xét đề bạt cán bộ cần chú ý đến bản chất của các vi phạm trong quá khứ. Một người từng có hành vi "gợi ý và nhận hối lộ" khi còn là một nhân viên cấp thấp của ngành du lịch, sau một thời gian lại được bổ nhiệm làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì người đó liệu có đủ uy tín thực hiện vai trò quản lý Nhà nước đối với ngành du lịch hay không?

Bạn đọc này còn thắc mắc: Từ một nhân viên bị buộc thôi việc do hành vi "gợi ý và nhận hối lộ", ông Nguyễn Quốc Kỳ đã đi bằng con đường nào để trở thành quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?

Ban Công tác bạn đọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.