Chuyện cũ mà mới

24/03/2016 06:11 GMT+7

Nhà vệ sinh là chuyện cũ mèm, năm nào các báo cũng năm lần bảy lượt mổ xẻ, hiến kế. Tình hình có vẻ cải thiện nhưng quá chậm, trong khi yêu cầu ngày càng cao.

Nhà vệ sinh là chuyện cũ mèm, năm nào các báo cũng năm lần bảy lượt mổ xẻ, hiến kế. Tình hình có vẻ cải thiện nhưng quá chậm, trong khi yêu cầu ngày càng cao.

Cách đây gần 20 năm, trong hội nghị tổng kết ngành du lịch thành phố, có sự tham dự của tổng cục, lần đầu tiên tham dự với tư cách là giám đốc doanh nghiệp, người viết đã bức xúc phát biểu: “Du lịch VN muốn phát triển, phải làm cuộc cách mạng thật sự, bắt đầu từ nhà vệ sinh”.

Từ đó đến nay, vấn nạn “nhà vệ sinh không chỉ thiếu mà còn dơ” dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đủ. Hơn một lần, Báo Thanh Niên có hẳn chuyên đề lớn về nhà vệ sinh công cộng. Sau loạt bài đó, tình hình có khả quan hơn nhưng dần dần khựng lại. Số liệu cho biết, Q.1, trung tâm TP.HCM, dân số gần 300.000 người, nơi tập trung rất đông du khách nhưng chỉ có 30 nhà vệ sinh công cộng. Ước tính, mỗi nhà vệ sinh phải phục vụ khoảng 15.000 khách du lịch và vãng lai.

Q.1 vừa ra quân lập lại trật tự xã hội, trong đó có biện pháp xử phạt việc tiêu, tiểu bậy. Phạt là đúng, vì nhiều kẻ vô ý thức, kém văn hóa nhưng cũng có người bị phạt oan vì bất ngờ chột bụng mà không tìm đâu ra chỗ xả.

Năm ngoái, cũng tại Q.1 đã rầm rộ khai trương các nhà vệ sinh miễn phí 5 sao. Cơ sở vật chất cao cấp nhưng chất lượng dịch vụ lại bất tiện và chưa tương xứng. Mỗi nhà vệ sinh đầu tư gần 1 tỉ. Trong khi thực tế thì TP cần hơn những nhà vệ sinh bình thường nhưng thoáng và sạch. Nhà vệ sinh của người Lào rẻ tiền hơn nhiều so với VN nhưng sạch sẽ thì mấy lần ăn đứt.

Ở nhiều nước, nhà vệ sinh công cộng chỉ có tại các khu du lịch, các công viên, quảng trường, các điểm tham quan... Rất ít thấy nhà vệ sinh riêng biệt vì không có đất và cả thẩm mỹ. Thay vào đó là nhà vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu... sẵn sàng phục vụ người qua đường. Thiết nghĩ, tại các TP lớn ở VN có thể vận dụng bằng cách đưa hẳn vào tiêu chí khi cấp phép hoạt động các cơ sở dịch vụ ăn uống, khách sạn phải bảo đảm việc phục vụ nhu cầu vệ sinh công cộng cho cộng đồng, có hoặc không có thu phí.

Điều này, Đà Nẵng đã tiên phong và làm rất tốt. Khách du lịch và vãng lai có thể bắt gặp logo “khuôn mặt cười trên bồn cầu” thân thiện với dòng chữ “Comfort as home - Thoải mái như ở nhà” khắp nơi trong thành phố. Năm 2015, Đà Nẵng đã vận động gần 1.000 nhà vệ sinh tham gia và gắn logo như vậy; là thành phố đầu tiên của VN giải quyết dứt điểm nạn “bí đầu ra” cho khách du lịch và vãng lai.

Năm 2015, du lịch Nhật Bản tăng 47%, cao nhất thế giới. Nhà vệ sinh tuyệt vời của Nhật Bản là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu thu hút khách đến xứ sở hoa anh đào. Vào nhà vệ sinh cứ như vô nhà hát. Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất có Hiệp hội Các nhà vệ sinh (JTA - Japan Toilet Asosiation). Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe còn tổ chức cuộc thi thiết kế nhà vệ sinh quốc gia, trao giải, vinh danh cho 28 công trình nhà vệ sinh sáng tạo một cách trang trọng.

TP.HCM chưa thể xây nhà vệ sinh như Nhật Bản, nhưng vận động như Đà Nẵng hoặc “luật hóa” thành những quy định thì trong tầm tay và tỉnh thành nào cũng có thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.