Chuyện cũ từ rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

26/02/2012 04:06 GMT+7

Bây giờ Khánh răng vàng tàn tạ lắm.

Bây giờ Khánh răng vàng tàn tạ lắm.

Chỉ còn lại duy nhất căn nhà và lô thổ hai trăm mét vuông. Dàn phong lan, dãy cây kiểng héo úa vì không người săn sóc. Những gốc gõ đỏ, căm xe... mà Khánh tuyển nghệ nhân đến chạm trổ công phu, đã bán đổ bán tháo vào tay chủ khác.

Hết. Thực sự hết.

Thân bại danh liệt vì một nửa của mình quả là quá đau. Người đàn bà sống với Khánh từ thuở đôi mươi đến tri thiên mệnh đã ôm sạch của cải ba mươi năm dành dụm ra đi.

Theo nhân tình? Không. Chán? Không. Vậy cái gì? Buồn hay hận? Có buồn, nhưng hận nhiều hơn.

Ba mươi năm vợ chồng, phải hận lớn lắm mới dứt áo ra đi. Có khi cũng chẳng phải chuyện lớn lao gì, nhưng tính ích kỷ thường khiến người ta xé to chuyện nhỏ.

Vợ chồng Khánh có lớn chuyện không? Không một đứa con nào xen vào đời sống của họ, nhưng luật bù trừ đã phát huy tác dụng bằng cách cho họ thật nhiều của cải. Họ chấp nhận số phận sau khi đã làm mọi cách không thành công.

Nguyên nhân chủ yếu từ Khánh. Cơ may để có con không phải số không, nhưng  quá nhỏ. Linh lại không thích con nuôi.

Thụ tinh trong ống nghiệm, hoặc mua tinh trùng... Chuyện đó cũng mới có gần đây thôi. Cái câu cha già nuôi con mọn đã không cho phép họ mạo hiểm.

Nguyên do nào họ bỏ nhau?

Thì ra, một ngày kia Linh phát giác chồng có con riêng. 

***

Con riêng của Khánh được cấu thành từ một cái chòi giữa rừng.


Minh họa: Tuấn Anh 

Chuyện như mới hôm qua. Thời gian trôi đi có vẻ chậm, nhưng đến cái ngưỡng mười, hai mươi, thậm chí ba mươi năm khi người ta nhìn lại thì có vẻ nhanh vô cùng.

Đúng. Họ vừa nắm tay dạo quanh sân trường đại học, nhìn bạn bè kéo nhau xuống đường, biểu tình chống chế độ Mỹ - Diệm.

Linh là dân Văn khoa, yêu văn chương, âm nhạc và hội họa. Cô đứng bên ngoài những hoan hô, đả đảo. Khánh cũng vậy. Danh sách những người chống đối không có tên anh, vì anh nghĩ, thật điên rồ khi dùng trứng chọi đá.

Thế nhưng tất cả đã đổ vỡ khi từ Sài Gòn về lại Nha Trang, gia đình Khánh đã xuống tàu cao chạy xa bay. Chàng sinh viên quay lại Sài Gòn tìm Linh. Rất may cả cha và anh cô đều không đi lọt. Là sĩ quan chế độ cũ, họ đã ra trình diện và đi học tập. 

***

Lang thang mãi cũng chán. Bè bạn còn lại mấy ngoe cũng đã nhanh chóng lao vào cơm áo gạo tiền.

Cả hai khóa cửa nhà bỏ xuống miền Đông. Cà phê Linh ra đời ở Lâm trường X. Quán bán mỗi ngày không quá hai mươi ly dù đã được trang bị một cái cát sét tương đối xịn. Cả cặp loa và máy đều chạy bằng bình ắc quy. Hôm nào sạc bình, Linh ôm ghi ta rải từng nốt nhạc, như một chiêu câu dụ mấy anh bảo vệ rừng đến quán.

Người phụ nữ mặt hoa da phấn ôm đàn giữa hoang sơ lâm trường, thật quyến rũ vô cùng. Nghe tiếng đàn, Trung cũng tìm đến. 

***

Trung - đã tứ tuần, là giám đốc lâm trường, vợ mất trong chiến tranh, hai đứa con, trai tám, gái mười - nhìn cô chủ quán lả lướt chơi đàn, mắt ánh đầy vẻ si mê.

Người đàn ông góa vợ này sống trong một khối cứng được nén lại bởi bổn phận, danh dự và trách nhiệm. Cái khối ấy chỉ chực vỡ ra với con tim luôn khát khao tình yêu và tình dục.

Khánh nhận ra mọi thứ phía sau cái nhìn ấy. Anh về thành phố và Tuyết - cô hippy trẻ, vượt biên không lọt trở về sau cải tạo được mời xuống cùng bán cà phê cho vui. Nhan sắc và sự lọc lõi của cô đã làm vỡ tung cái khối đè nén bao nhiêu năm của giám đốc Trung. Khánh, với vai trò anh trai của người đẹp, được giám đốc cất nhắc lập tức.

Trung gọi Đỏ, tổ trưởng bảo vệ rừng đến:

-  Tao giao anh Khánh cho mày. Người thân của tao đó.

-  Dạ rõ, sếp.

Ngay lập tức, Khánh vào đội bảo vệ rừng.

Đúng là rừng vàng biển bạc. Kinh tế đang khó khăn, tất cả mọi người hầu như lao cả vào rừng để kiếm sống. Kẻ làm nương rẫy, kẻ trở thành lâm tặc đốn trộm gỗ quý...

Để vào đội bảo vệ, nếu không con ông cháu cha thì phải xùy tiền. Đằng này Khánh chỉ nhờ vào nhan sắc một cô gái.

Buổi sáng ôm M16 đứng tại trạm đếm xe, Đỏ hỏi:

- Bữa nay bao nhiêu chiếc, anh Khánh?

- Băng Dũng đen tám,

Hải khùng mười một, Thành bụi mười lăm. Tổng cộng ba mươi bốn.

- Băng nào giao không đủ anh cứ cho mấy đứa nhỏ lùa hết về trạm.

Chung chi được chia làm ba. Một phần cho “thầy”. Một cho lính lác, phần còn lại của Đỏ và Khánh. Vậy mới bền. Làm bảo vệ mệt lắm, mệt lắm lắm...

Đủ chuyện hết, nào phủ xanh trảng tranh, đồi trọc, lại phải khai thác những khu rừng không có giá trị kinh tế để trồng giá tỵ, bạch đàn, keo mỡ... Gỗ tạp được cắt ra làm củi để gây quỹ cho lâm trường. Giám đốc lệnh:

- Bọn lái củi trả giá bèo như lục bình trôi sông. Anh với thằng Đỏ trực tiếp mang đi bán có lợi hơn.

Tạm thời giao quyền trưởng và phó cho người khác, Khánh và Đỏ mang trọng trách tìm nguồn ra. Những cẩm lai, gõ đỏ, huỳnh đường... và cả chục loại gỗ quý khác chất dưới thùng xe, đóng cửa thùng  rồi cho củi lên trên. Trong phạm vi gần thì cứ đem anh Trung mà khoe, ra ngoài, cứ tiền mà chung. Cũng chia ba. Thầy hai, hai trò một. Một nửa của một cũng dư sức khiến hạnh phúc của Trung dệt tơ vàng.

Còn Linh? Cô hóa thành giáo viên dạy nhạc cho hai đứa bé con Trung. Ghi ta hả? Từ từ, để cho hai bàn tay gõ phím dương cầm nhịp nhàng đã. Nào, sì sol đố rề...

Họ đạp đổ nhà tranh vách lá, lên cột gỗ căm xe, mái ngói, vách tấp ván sao. Vẫn quán cà phê Linh, nhưng có thêm một phòng cho Tuyết, trong phòng có một giường đôi.

Ấy là nơi giám đốc Trung qua đêm. 

***   

Kẻ có tiền sẽ tìm cái họ thiếu. Đỏ thiếu sự nhộn nhịp của phồn hoa. Trong đô hội có nghìn lẻ một sự quyến rũ. “Một cái lạ bằng cả tạ đường phèn”.

  Khánh bảo Đỏ:

-  Đừng dại dột dính vô các nàng ở gốc cây, trên cầu hay vỉa hè. Bọn ma cạo sẽ lột mày đến cái quần đùi.

- Vậy ở đâu mới an toàn? - Đỏ hỏi.

Khánh đưa Đỏ đến một mê cung. Dưới một gốc bàng là một gã “hifi”. Gã nhận tiền -  Phòng số sáu.

Đỏ xâm nhập mê cung. Sau phòng khách là hành lang dài, ánh sáng lờ mờ tạo ra một vẻ thăm thẳm, hai bên là dãy các cửa phòng. Phòng chỉ cần hai mét vuông. Người đẹp cởi nội y, đưa Đỏ đến vòi sen ở góc, rồi lên giường.

Ở khách sạn không như vậy. Bọn bồi phòng thường gợi ý để kiếm tiền boa, hoặc đến nửa đêm, loài hoa độc sẽ gõ cửa... 

Là dân sành điệu. Khánh bảo:

- Mày cứ đi hết dãy, phòng nào hé cửa thì vào.

Nhiều người đẹp trong cùng một phòng như vậy. Quyền lựa chọn trong tay khách mua hoa. Cứ khoác tay một kiều và bến đỗ là nơi ngụ qua đêm của anh. An toàn tuyệt đối.

Quyền lực của giường chiếu đã làm Đỏ chìm đắm vào ma thuật của gái ăn sương dày dạn. Điều đó đã khiến quyền lực của Khánh tăng lên rõ ràng. Súng ngắn giắt lưng quần, tay viết lên bảng thông báo tên những nhân viên sẽ được phân công đến tiểu khu nào trong ngày, lái xe jeep đưa sếp đi tham quan rừng…

Lâm tặc thương lượng trực tiếp với Khánh ngay tại cà phê Linh. Họ biếu chị Hai thuốc lá ngoại từng cây, nhiều cây, cà phê thượng hạng nhiều ký, những thức uống có ga và không ga... Linh bán tất cả. Cô dạy nhạc chỉ để cho vui, tiền lương làm sao mua nổi lọ nước hoa Soir de Paris...

Giá họ có một đứa con thì hay biết mấy… 

***

Khánh có lập phòng nhì không? Không. Vậy ở đâu ra đứa con? Người đàn bà nào đã biến cái không của Khánh thành có, thứ mà Linh suốt đời không tìm ra.

Ai?

Đó là Diệu Thảo, vợ của Dũng bụi.

Diệu Thảo không chỉ đẹp, còn rất đàng hoàng, yêu Dũng bụi hết mực. Dũng lấy rừng làm mạch sống, bụi bặm và phong thái hào hoa. Về phố sau một vài tuần nằm rừng, Dũng chơi khiến ai cũng phục. Gần chục bảo vệ lâm trường đều bị Diệu Thảo cho de, riêng với Dũng bụi nàng đồng ý liền. Vui vẻ sống với Dũng nơi chòi tranh vách lá, chỉ sau một mâm cơm đơn sơ ra mắt dân rừng.

Gái một con, Thảo đúng là đã làm mòn con mắt cả lũ đàn ông.

-  Tao sốt - Dũng bụi kể - bà xã xách xe đạp thồ đi buôn ươi...

- Ươi là cái gì?

- Là trái đười ươi.

- Trái gì tên kỳ cục vậy?

- Mày không biết hả? Ươi là loại trái cực kỳ đặc biệt. Mấy thứ gấm, xoay, gùi, dâu rừng, bù lộp, vú heo.... chẳng nghĩa lý gì so với ươi. Giá trị của nó như vàng vậy.

- Xạo đi, trái gì mà giá trị như vàng?

- Mày đúng là ếch dưới giếng... Loại trái này ở rừng miền Đông vài ba năm mới có một lần, còn ở miệt Bình Định, Phú Yên trên chục năm mới có trái. Cây của nó tầm cổ thụ hai người ôm mới giáp vòng là loại nhỏ. Người ta cứ chờ ươi chín, gió thổi bay đi...

- Rụng thì rớt, chớ bay là sao cha nội?

- Bay mới lạ, chớ rớt thì nói chi. Trái ươi bằng đốt ngón tay út, dính vào một đài lá bằng bàn tay. Khi chín, gió thổi nó bay như hoa dầu. Người ta rọc rừng ra, đi lượm ươi gọi là ươi bay. Dân vai u thịt bắp cứ năm sáu thằng một băng, lội suối băng rừng, vô cả rừng cấm tra rìu vô cây ươi. Cây ngả xuống là khô, tươi, dốt dốt, vặt sạch đem phơi... Hàng quý, loại quốc cấm nên lời nhiều. Lái gộc, quen biết lớn mua giá rẻ vì phải chung chi nhiều, lái nhỏ mua giá cao một tí thì chấp nhận trốn tránh...

- Ươi để làm gì mà quý vậy? Mà sao lại gọi là đười ươi?

- Chỉ có mấy ông thầy thuốc biết rõ. Bình thường dùng làm nước uống giải nhiệt. Bị táo bón chỉ uống một ly là khỏi. Chắc nó dùng để chế biến dược liệu nên xuất khẩu rất mạnh. Tuy nhỏ chỉ bằng đốt tay, cắn hai đầu bỏ vô ly nước là bung ra gấp năm lần nên gọi đười ươi, hiểu không? Nó quý như vậy nên chỉ có dân săn cẩm gõ là không thèm theo, còn lại tất cả nam phụ lão ấu đều vào rừng săn tìm... Tao sốt. Diệu Thảo - vợ tao - đi mua bán kiểu cò con, bị đàn anh Khánh răng vàng bắt, tịch thu cả xe lẫn hàng. 

***

Sốt hả? Khủng khiếp lắm. Nó lấy mạng người gấp chục lần “hát i vê” ngày nay... Thoạt tiên ta nghe mỏi ở khuỷu tay và khuỷu chân, chỉ muốn co quắp mà nằm. Cái lạnh từ trong sâu thẳm tâm can tuôn ra theo một cường độ từ nhỏ tí đến vô cùng, bao nhiêu chăn chiếu đắp lên hoàn toàn vô tác dụng. Người sốt cứ run lên, răng khua lốp cốp và tiếng rên của họ khiến sắt đá cũng chảy thành nước, huống hồ người thân.

Sau lạnh là nóng, cũng thấp lên cao, chăn chiếu đạp ra, áo quần lột sạch, trơ cái quần đùi và hơi thở tưởng chừng bốc cháy... Cuối cùng là cái đầu như có tiếng chuông chùa dội bên trong. Một cơn sốt từ lạnh đến nhức đầu kéo dài khoảng một tiếng, nó làm tiêu tùng cả ý chí và sức khỏe. Mỗi ngày sốt lên một lần, đúng vào cái giờ mà nó quy định…

Trước khi giờ G đến, bệnh nhân sợ hãi như con nghiện ma túy sợ thiếu thuốc... Loại cách nhật có thoải mái một tí nhưng tàn phá cơ thể dữ dội hơn. Sốt rét giết người nhanh lắm. Vì cơn  sốt qua, miệng người bệnh như ngậm ký ninh, không thể nuốt nổi cái gì dù là cao lương mỹ vị. Ba ngày, chỉ ba ngày, thêm vụ hồng cầu bị tiêu diệt, người bị sốt chỉ còn da bọc xương....

Dũng bụi đã nằm dài trên giường ba tháng ròng.

Diệu Thảo gửi con gái cho bà ngoại. Thấy thiên hạ buôn ươi có lãi, cô đạp xe lòn lách kiếm thêm, bị bảo vệ rừng bắt. 

Thật may mắn, Khánh răng vàng cám cảnh, trả xe còn trả lại hàng đã lập biên bản tịch thu.

Không dám vào rừng nữa, Diệu Thảo chạy chợ.

- Hết sốt tao sẽ vào rừng tiếp - Dũng nói.

- Sao mày không làm nghiệp khác?

- Biết làm gì giờ. Dạo ấy thất nghiệp, biết làm rừng là sai, nhưng đói thì đầu gối phải bò... Mày biết đó, làm rừng đã khổ, nguy hiểm, lại còn bị bắt bớ, tịch thu… Hiểu không?

- Hiểu rồi...

- Sáng đó bọn tao, một chục xe thồ vào cấm làm cẩm gõ. Lúc chuẩn bị về thì đề lô báo có truy quét. Đêm hôm, tao, Sơn hí, Tí bờm rọc rừng đem một xe cả năm tấc cẩm lai đi giấu. Giấu là phải ém người cho kỹ, thuốc lá không được hút. Bảo vệ rừng đánh hơi mùi khói thuốc cực tinh, nhiều thằng lơ mơ bị hốt cốt hoài. Bọn tao đang xoa Dep chống muỗi và vắt thì có tiếng động…

- Đù má - Tiếng thằng Khánh răng vàng - Đi truy quét kiểu này nguy hiểm thấy mẹ. Bọn rừng liều lên quất cho một búa, chết lúc nào không hay.

Tiếng thằng Đỏ:

- Điên hay sao vô tận đây mà bắt? Cha Trung dở ẹc. Cứ để tụi nó ra rồi bắt thì có nước chạy lên trời.

- Mày cũng dở nữa. Tại bữa nay có sếp của sếp xuống, nên bày chuyện để lấy điểm. Hiểu không?

- Ê, hôm bữa mày trả lại xe cho con Diệu Thảo vợ Dũng bụi hả? Nói lý do tao nghe coi.

Ba thằng tao dỏng tai chờ nghe.

Khánh cười:

- Con nhỏ đẹp thiệt. Dũng bụi đúng là đào hoa... Nó năn nỉ tao quá chừng, chồng bị sốt, con đang đau, tao phải cho chớ sao...

- Xạo! Chắc có ngã giá gì nữa?

- Tất nhiên!

- Rồi sao?

- Tao ngửa bài, em đâu có chịu. Không chịu thì tao không giải quyết.

- Nhưng mày giải quyết rồi.

- Đến tận ngày thứ ba em mới chịu. Tao mượn chiếc 67 của sếp chở em vô chòi trạm ở tiểu khu 32. Khà khà khà…, con nhỏ đúng là gái một con, không món nào tuyệt hơn....

Thật quá đau đớn. Lúc đó trong tay tao đang cầm cái búa chém. Sơn hí quỳ xuống xin tao bình tĩnh, còn Tí bờm giữ chặt tao lại, nếu không chắc đã có chuyện xảy ra... Về sau hai thằng không đến nhà tao chơi nữa, chắc sợ khiến tao nhớ chuyện đó, đau lòng. Tao buồn nằm suốt cả tuần, nhưng nghĩ lại cũng thấy thương cho vợ. Chồng bệnh, con đau, có cái xe là phương tiện để làm ăn... Hồi đó cái xe đạp là tài sản lớn lắm,  khó lắm mới có được... Nghĩ mình là đàn ông, đừng quá cố chấp, tao cho qua...

Nhưng định mệnh đâu có cho qua. Tao cắn răng đóng vai thằng chồng yêu lo cho vợ vượt cạn. Đau lắm, mày hiểu không? Mà mày làm gì hiểu được. Tao có bốn đứa con - tất cả đều là con tao - và một tay tao chăm lo từ A đến Z... Từ sau cái đêm đó, tao bỏ lâm trường X về đây sống cho tới hôm nay.

- Mày hay thật đó. Khó kiếm ra một thằng như mày. Nhưng tại sao rồi mọi chuyện bể ra? Làm sao thằng Khánh biết mà mò xuống đây?

- Mày biết đó, không thằng lâm tặc nào ưa nổi tụi bảo vệ. Tí bờm oán Khánh răng vàng tận xương tủy…

- Đã làm sai mà còn oán nỗi gì?

- Có lý do hết. Thằng Tí bờm phát giác, nó cũng từng là nạn nhân của Khánh. Không như tao, Tí bờm rắp tâm trả thù. Hôm đó nó xuống đây chơi với tao. Nhìn thằng Đạt - con tao - nó nhận ra ngay mặt thằng Khánh và nó dẫn dụ Khánh đến... Thằng Khánh không con. Ở cái tuổi ngoài năm mươi, chắc chắn nó thèm con lắm. Nó thật sự cô độc... Gặp riêng tao, nó thú thật tội lỗi và xin xỏ đủ thứ… Tao chỉ cười:

- Tôi thì sẵn sàng. Nhưng rồi anh phải ăn nói với thằng Đạt làm sao?

- ...

-  Anh có dám nói thật, là anh đã dùng quyền lực, lợi dụng sự cùng đường của má nó không?

- ...

- Nếu anh dám nói thì nó sẽ nhìn anh thế nào?

Vợ tao điểm thẳng mặt Khánh, cấm hắn không được manh động. Cô ấy cũng choáng vì không ngờ tao đã biết và đã tha thứ cho cô suốt mấy chục năm qua. Nửa đêm, vợ già ôm tao nghẹn ngào xin lỗi vì đã giấu diếm. Tao bảo:

- Gặp anh, anh cũng giấu. Thôi, bỏ đi.

- Còn con trai mày, nó có biết không?

- Nghĩ có ngày rồi mọi chuyện cũng lòi ra, nên tao chủ động cho thằng Đạt biết…

- Ly kỳ à… Rồi sau đó nó có gặp cha nó không?

- Có…

- Ra sao?

- Tao không biết, chuyện đàn ông mà, tao không hỏi. May thằng Đạt con tao là giáo viên, nên có vẻ bình tĩnh lắm…

- Rồi sao Linh biết chuyện?

- Cũng hai thằng Tí bờm, Sơn hí. Nó đưa vợ thằng Khánh đến tận đây. Vừa thấy thằng Đạt, nó nhận ra ngay tác phẩm của Khánh. Đã vậy hai thằng còn rỉ rả kể cả ngọn ngành câu chuyện một đêm nào đó ở cái chòi giữa rừng... Như mày, mày có sốc không?

- Hôm kia, tao đi ngang thấy nhà Khánh bây giờ hoang phế lắm.

- Nhà không có đàn bà, tất nhiên là tăm tối rồi... Đàn bà là mặt trời mà.

Nguyễn Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.