Chuyện của Cú và chim se sẻ

24/02/2009 23:07 GMT+7

Trong số 6 phim truyện dự giải Cánh diều 2008, Cú và chim se sẻ đang giữ các kỷ lục: kinh phí làm phim thấp nhất (chưa đến 50 ngàn USD), đã đoạt nhiều giải thưởng nhất và... ít được biết (ở Việt Nam) nhất so với các phim còn lại!

Sau khi bộ phim Dòng máu anh hùng đóng máy để làm hậu kỳ, Stephane Gauger  (người Mỹ gốc Việt - cũng chính là diễn viên của Dòng máu anh hùng) đã rủ các bạn làm bộ phim dài đầu tiên trong đời anh: Cú và chim se sẻ. Câu chuyện của 3 con người xa lạ trong 5 ngày tình cờ gặp gỡ đã như một cú chạm khẽ của những tấm lòng không vô tình tưởng như sẽ ẩn kín giữa Sài Gòn đương đại mang hơi thở ồn ào, náo nhiệt với hơn 8 triệu dân nếu không được đạo diễn mở ra.

Cú và chim se sẻ không phải là phim mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn quá rõ nét đến mức riêng tư và khó chia sẻ, nhưng nó đã áp dụng một cách kể chuyện hơi khác với thói quen xem phim của khán giả Việt. Cách quay kiểu tài liệu thể hiện với những cú máy chóng mặt khi đảo, lắc... không sử dụng trường quay, ánh sáng tự nhiên và diễn viên chuyên nghiệp cũng đã biết noi theo chất “nghiệp dư” để diễn. Họ phải trở thành những “con người bình thường”, mà sự ứng tác nhẹ nhõm trong diễn xuất là rất quan trọng.

Tính đến tháng 10.2008, Cú và chim se sẻ đã đến 34 LHP và các giải thưởng trên thế giới, đoạt được 11 giải thưởng cùng 5 đề cử khác nhau và được lựa chọn để trình chiếu mở màn tại một số LHP uy tín, trong đó có LHP Rotterdam 2007. Những hạng mục giải thưởng mà Cú và chim se sẻ đã đoạt được: Giải khán giả bình chọn (LHP Los Angeles), 4 giải Phim có cách kể hay nhất (LHP Los Angeles, LHP San Francisco Intl. Asian American, LHP Asian ở Dallas, LHP San Diego Asian), Giải thưởng lớn (LHP Asian ở Dallas), giải Crystal Heart (LHP Heartland), giải NETPAC (LHP quốc tế Hawaii), Giải cho nhà làm phim nổi bật (LHP quốc tế Denver), Phim hay nhất (LHP Big Apple), Giải đặc biệt dành cho đạo diễn (LHP NoakArk - Nga)...

Điểm mạnh nhất của câu chuyện phim có lẽ là cách đạo diễn “tìm ra” xuất thân của các nhân vật (một người đàn ông sống và làm việc trong sở thú, một cô bé bán những bông hoa trên phố, một nữ tiếp viên hàng không) rồi khoanh vùng câu chuyện đó trong một không gian (Sài Gòn ồn ào) - thời gian (5 ngày) để chỉ tập trung kể một câu chuyện, câu chuyện về những người “bình thường” đã “tốt” như thế nào, trong phim. Stephane Gauger đã không sa đà vào các tình tiết lạc hướng khác vốn quá nhiều trong các phim VN làm về đề tài tương tự. Anh đã biết tiết chế khi giữ nhịp, để phim mang một vẻ hiện thực không giả tạo và tin được.

Cô bé mồ côi bỏ nhà đi, thường thì hình dung về câu chuyện sẽ khó mà thiếu những con người độc ác, những giọt nước mắt, đòn roi và mưa gió... Nhưng một nguyên tắc trong xây dựng nhân vật để làm cho khán giả thiện cảm là tính chủ động. Không ai thích một nhân vật từ đầu đến cuối phim đều yếu đuối, dù đấy là một đứa trẻ đi nữa. Cô bé Hân có một gương mặt rất rắn rỏi, không khóc lóc bao giờ, không ngửa tay xin ai tiền và khi bị cô tiếp viên hiểu lầm, cô bé lặng lẽ ra khỏi nhà, không làm phiền ai. Sự thực, nếu quan sát những đứa trẻ tương tự (trên đường Phạm Ngũ Lão chẳng hạn) bị đặt trước sự sinh tồn, điều này không xa lạ...

Đa số các bài báo ở VN cho rằng Cú và chim se sẻ là một phim khó xem. Có lẽ nhận xét này chưa thật sự xác đáng, bởi không thể viết về một phim giải trí thương mại theo cách nhìn một phim thể nghiệm và ngược lại. Người ta cũng không thể “đo” mọi bộ phim chỉ bằng một cách! Cú và chim se sẻ đã từng được giải khán giả bình chọn ở LHP Los Angeles, có nghĩa nó không phải là phim kén khán giả. Phim cũng giành được thiện cảm từ các báo viết về điện ảnh nổi tiếng trên thế giới. Tuần báo Variety đã viết: "Đây là một câu chuyện ngọt ngào chắc chắn làm khán giả cảm thấy ấm áp trong lòng"; Hollywood Reporter thì viết: "Một diễn xuất đam mê của cô bé 10 tuổi mới vào nghề Phạm Thị Hân”, L.A Weekly khen ngợi: "Một sự giản dị thú vị... một tiếng vang lạ thường"...

Thế nhưng tinh thần độc lập và một tình yêu trong sáng của đạo diễn Stephane Gauger với điện ảnh để có thể làm một bộ phim hay với rất ít tiền mới là điểm đáng kể nhất. Chính nhờ tinh thần đó mà những khía cạnh bình dị nhất của cuộc sống đã được đưa lên phim. Nó chứng minh một điều không phải là chuyện tiền hay chuyện thiết bị thiếu thốn mà chính bởi sự lười biếng, ngại nghĩ và không dám xả thân mới làm cho điện ảnh VN nhợt nhạt. Và cũng vì thế mà sự hấp dẫn ngồn ngộn từ một cuộc sống đầy màu sắc của ngày hôm nay dường như đang bị bỏ phí đi...

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.