Chuyện của một người... mê kiểng

28/03/2017 11:35 GMT+7

Mặc dù nhiều lần sạt nghiệp bởi cây kiểng, nhưng ông Nguyễn Văn Thoại (57 tuổi, ngụ ấp 4, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn quyết tâm đeo bám nghề và đến nay đã có một trang trại trồng kiểng trị giá tiền tỉ.

4 lần sạt nghiệp…
Từ ngoài nhìn vào, trang trại rộng gần 2 ha nằm cặp QL1 (thuộc xã Thanh Hòa, TX.Cai Lậy) của ông Thoại giống như một rừng kiểng, chủ yếu là vạn niên tùng và bông trang. Rất nhiều loại kiểng được tạo hình thú như: rồng, phụng, voi, cọp, gà, cóc… Không nhớ nổi vườn kiểng có bao nhiêu gốc và chẳng để ý doanh thu mỗi năm nhưng ông Thoại tự hào mình là người đã góp công tạo dựng làng nghề hoa kiểng ở vùng này.

tin liên quan

Kiểng 'khủng' về phố
Năm nay thời tiết bất lợi nên hoa kiểng mất mùa, không được rực rỡ như mọi năm, nhưng các loại kiểng cổ lại ít chịu ảnh hưởng và đang đua nhau đổ về TP.HCM.
“Ông bà tôi từ miền Trung di cư vào Nam khoảng thế kỷ 19 và đã có 4 đời làm kiểng. Nhờ vậy tôi tích lũy được kinh nghiệm và có tay nghề thuộc loại khá”, ông Thoại chia sẻ. Theo ông Thoại, nghề kinh doanh kiểng lợi nhuận cao nhưng xác suất nguy hiểm cũng rất lớn. Ví dụ cây kiểng mua 10 triệu đồng rồi bán ra 12 - 15 triệu đồng, tưởng có lời nhưng chưa chắc, vì chi phí, công sức, vốn bị ngâm thời gian lâu, cộng với lãi tiền vay… nếu nhận định không đúng thì dễ bị sạt nghiệp.
Ông Thoại kể khoảng 3 năm trước có bán cây vạn niên tùng cho một ngôi chùa ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), với giá 1,5 tỉ đồng nhưng lỗ nặng. Lý do vì trước đó 5 năm ông mua cây kiểng này giá 1 tỉ nhưng vốn nhà chỉ có 100 triệu đồng, phải vay nóng 900 triệu đồng (lãi suất 5%). Như vậy mỗi tháng phải trả lãi 45 triệu đồng và 1 năm hơn 500 triệu đồng, trong khi phải “ôm” cây kiểng tới 5 năm mới bán được, nên chỉ riêng lãi tiền vay đã hết 2,5 tỉ đồng. Hỏi sao không vay ngân hàng? Ông Thoại nói không ngân hàng nào cho vay vì cây kiểng không định giá được.
Mặc dù có thâm niên trong nghề nhưng ông Thoại cho biết mình đã 4 lần bị trắng tay. “Có nhiều lý do bị sạt nghiệp, không kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào. Chẳng hạn lúc đầu làm ăn thuận lợi, tích lũy được một số vốn, tôi mua 4 cây cần thăng với giá từ 1 - 8 triệu đồng, nhưng khi đem về thì rụi hết 4 cây. Sau đó tôi tiếp tục vay mượn để theo nghề kiểng. Khi tạo được số vốn gần nửa tỉ đồng, tôi qua Trà Vinh mua vườn cần thăng 100 cây, nhưng khi đem về chỉ còn lại duy nhất 1 cây”, ông Thoại kể.
Năm 1997, lần thứ ba ông “liều” vay nóng 1 tỉ đồng, cộng với vốn nhà 500 triệu đồng rồi tìm mua gần 700 gốc kiểng cổ, từ mai vàng, chiếu thủy, cần thăng, kim quýt… đem về dưỡng, nhưng khi mua rồi bị ế thời gian dài. Tiền lãi trả không xuể, ông phải chở qua Đồng Tháp bán cho một người làm du lịch. Lúc đó tiền lãi đã lên tới 1,3 tỉ đồng trong khi nợ gốc chỉ có 1 tỉ đồng. Bán xong lô hàng này ông tiếp tục trắng tay.
Đất 1 triệu đồng 1 m2
Sau ba lần thất bại ở miền Tây, năm 1999 ông Thoại lên miền Đông thuê đất, mở vựa mua bán kiểng ở ngã tư Bình Phước. Trụ được một thời gian thì phải bỏ về quê, sau khi học được câu “đất ở đâu cũng 1 triệu đồng 1 m2”. Ông Thoại nhớ lại: “Đó là năm 2002, một buổi chiều có anh bạn trẻ tới gặp tôi lấy tiền bán kiểng rồi nói: Đất ở đây, khi mở đường, giá lên cao, người ta bán 1 triệu đồng 1 m2 rồi đem gửi ngân hàng làm tỉ phú, nhưng rồi họ mất đất. Còn em, ông già để lại 4 mẫu đất, em cũng bán giá 1 triệu 1 m2 nhưng đất vẫn còn nguyên”. Hỏi sao hay vậy? Anh ta giải thích: “Thì mỗi cây tùng em trồng trên diện tích 1 m2. Khi bán thì giá 1 triệu đồng 1 cây. Anh trả 900.000 đồng em đâu có bán”.
Cho là chí lý, qua một đêm suy nghĩ, hôm sau ông Thoại quyết định trả lại mặt bằng để về quê, tận dụng 3.000 m2 đất chung quanh nhà để làm vườn ươm vạn niên tùng. Dần dần, ông trả hết gần 1 tỉ đồng nợ tiền lãi vay nóng. Sau đó tới xã Thanh Hòa mua đất rồi thuê thêm đất để trồng vạn niên tùng và đã tạo được cơ ngơi ổn định tới bây giờ.
“Thành công của tôi chính nhờ câu nói của thằng nhỏ đó dạy tôi. Bởi vì nếu chỉ mua đi bán lại thì cuối cùng sẽ hết vốn, ôm nợ, chỉ còn lại đống rác kiểng. Trong khi vườn ươm thì có bán hết kiểng vẫn còn lại đất của mình”, ông Thoại chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.