Chuyển đổi đất lúa, nông dân sống ‘khỏe’

07/05/2014 04:09 GMT+7

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nói rằng, mục tiêu của chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại ĐBSCL là giúp nông dân nâng cao thu nhập bền vững thay vì quá tập trung vào sản xuất lúa và chúng ta phải biến điều đó thành hiện thực.

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nói rằng, mục tiêu của chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại ĐBSCL là giúp nông dân nâng cao thu nhập bền vững thay vì quá tập trung vào sản xuất lúa và chúng ta phải biến điều đó thành hiện thực.

Chuyển đổi đất lúa, nông dân sống ‘khỏe’
Trồng bắp trên đất lúa được kỳ vọng sẽ đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho nông dân - Ảnh: Q.D

Từ lỗ sang lời chục triệu đồng/ha

Những ngày này, anh Phạm Văn Beo (ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hóa, H.Giang Thành, Kiên Giang) đang dồn công chăm sóc 6 ha bắp (ngô) lai trên đồng đất nhà mình với nhiều kỳ vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Vụ lúa hè thu năm ngoái, mỗi héc ta anh Beo lỗ 7,5 triệu đồng. Trồng trên 15 ha lúa, anh bị “thủng” túi cả trăm triệu đồng. Nhưng không trồng lúa thì còn tệ hơn. Đất để hoang, đến vụ lúa mới, tiền cải tạo đất quá tốn kém. Vì vậy, biết cấy lúa vụ hè thu là lỗ nhưng anh vẫn phải trồng. “Giờ tôi đang thử nghiệm trồng bắp lai, hy vọng giá cao, năng suất tốt, bán bắp sẽ có lãi”, anh Beo nói. Theo anh Beo, bà con trong khu vực đang “nhìn” cả vào ruộng bắp nhà anh. Nếu vụ mùa bội thu, đem lại lời lãi, họ sẽ cùng đưa cây bắp vào canh tác.

 

Về giải quyết đầu ra cho cây bắp, tại hội thảo đại diện các doanh nghiệp phân phối nông sản, trong đó có tập đoàn toàn cầu Bunge đã có những cam kết mạnh mẽ. Ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ nông nghiệp Tài Lộc CNB, nói đã và đang thu mua bắp theo hợp đồng với nông dân. Trong thời gian tới, công ty này sẽ thu mua cả thân cây, cùi và hạt bắp cho nông dân với giá đảm bảo người trồng ngô sẽ có lãi trên 30%. Trong khi đó, ông  Wai Cheng Chan, Tổng giám đốc Bunge, cho biết đang làm việc với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn có uy tín để đảm bảo một nhu cầu chắc chắn và sẵn sàng cho những vụ bắp sắp tới của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng các trung tâm thu mua bắp tại ĐBSCL với đầy đủ hệ thống sấy và kho lưu trữ.

Tại hội thảo về chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng bắp, đậu nành và cây trồng khác tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra sáng qua 6.5, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết trên thực tế, nhiều mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại rau màu, dưa hấu, bí đỏ, bắp, thanh long, chanh, đậu nành, mè, ớt, khoai lang và nuôi trồng thủy sản… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có lãi nhiều hơn trồng lúa. Như mô hình trồng đậu nành tại Đồng Tháp, chi phí sản xuất tăng chưa đến 1 triệu đồng/ha nhưng lợi nhuận nông dân thu về tăng gần 9 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Nhiều bà con trồng 2 vụ lúa, 1 vụ mè đã có thu nhập tăng thêm từ 5 - 16 triệu đồng so với canh tác 3 vụ lúa liên tục. Tại Kiên Giang, chi phí đầu tư 30 triệu đồng trồng dưa lê tại các huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận lợi nhuận thu về từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Mô hình trồng bắp trên đất lúa thí điểm tại Long An giúp người dân có lợi nhuận trung bình từ 22 - 25 triệu đồng/ha.

Các chuyên gia cho biết, ở ĐBSCL đang có khoảng 600.000 ha sản xuất lúa bấp bênh và kém hiệu quả. Ông Dư cho biết, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch trong năm 2015 sẽ chuyển đổi 112.000 ha đất lúa sang trồng bắp, đậu nành, rau dưa, lúa kết hợp thủy sản và trồng cây làm thức ăn cho gia súc. 

Bắp là lựa chọn số 1

Để tránh tình trạng bí đầu ra, nông sản dội chợ và giá giảm chóng mặt… khi chuyển đổi đất lúa, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát khuyến cáo, các địa phương chỉ được định hướng nông dân trồng những loại cây đã nhìn thấy rõ thị trường, dứt khoát không đưa cây mới vào đồng đất mà chưa tìm được đầu ra vững chắc. “Các cây trồng trên đất lúa bước đầu cho hiệu quả cao như mè, ớt, dưa hấu, thanh long… cũng cần phải nhìn nhận đúng về thị trường. Đúng là khi mới trồng ở quy mô nhỏ thì giá cao và hiệu quả kinh tế cao nhưng phải rất cẩn thận. Thị trường của mè, ớt, dưa hấu là thị trường hẹp. Một khi nguồn cung tăng mạnh thì lập tức giá giảm, không còn lợi nhuận cao. Các loại này vẫn có thể làm được với điều kiện tiên quyết là có liên hệ về thị trường, phải biết rõ ai là người tiêu thụ”, ông Phát nói.

Theo ông Phát, bắp sẽ là sự lựa chọn hợp lý cả về ngắn hạn và dài hạn khi mà ĐBSCL có nhiều lợi thế để trồng bắp và loại cây này sẽ đem lại lợi ích bền vững cho cả người nông dân, doanh nghiệp và nền kinh tế nước nhà. Ông Phát phân tích, hằng năm, chúng ta đang phải đem USD nhập khẩu 2,5 - 3,5 triệu tấn bắp về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong khi có những giống bắp trồng ở ĐBSCL cho năng suất lên tới 9 - 11 tấn/ha. Đẩy mạnh trồng bắp, Việt Nam sẽ từng bước thoát khỏi cảnh phụ thuộc nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài và mô hình này trên thực tế cho thấy đã đem lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều. “Thị trường của bắp có ngay ở trong nước, ổn định và rất rộng mở khi nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản ngày một tăng cao”, ông Phát phân tích.

Chuyển đổi 87.314 ha đất lúa sang trồng màu

Năm 2013, toàn vùng đã chuyển 87.314 ha đất lúa sang trồng cây bắp, đậu nành, khoai lang, mè... trên tổng diện tích 112.000 ha đã được Thủ tướng phê duyệt. Địa phương chuyển đổi mạnh nhất là Đồng Tháp (30.725 ha), Sóc Trăng (19.800 ha), Trà Vinh (12.080 ha) và Cần Thơ (6.177 ha). Theo Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2014 và vụ đông xuân 2014 - 2015, ngân sách T.Ư sẽ chi hỗ trợ 2 triệu đồng/ha giúp nông dân vùng ĐBSCL mua hạt giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu.

Hoàng Phương

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.