Chuyển đổi giới tính, hành trình đi tìm "tôi" - Kỳ 1: Bi kịch "thân sâu hồn bướm"

08/12/2008 17:26 GMT+7

Tại sao một số người trẻ không dư dả tiền bạc cũng gom góp, huy động cả trăm triệu đồng sang Thái Lan chuyển đổi giới tính (CĐGT)? Những khát khao cháy bỏng thôi thúc họ thay hình đổi dạng liệu có còn vẹn nguyên sau khi họ rời bàn mổ?...

Sinh ra với hình hài là con trai nhưng tâm tính, ý thích lại 100% là của con gái. Thế nên, đã có không ít bi kịch xảy ra, thậm chí đến khi "thoát xác" rồi, quá khứ nặng nề vẫn ám ảnh họ. 

Ba lần tìm đến cái chết

Đến bây giờ, ca sĩ chuyển giới Ái Xuân (tên thật là Võ Thanh Trọng, 35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) vẫn chưa thể quên ký ức buồn tủi ngày trước. Ái Xuân kể rằng, từ nhỏ, Xuân đã thích mặc đầm, trang điểm, để tóc dài, chơi búp bê... Chính điều này khiến gia đình, người thân của Xuân dị ứng. Xuân bị buộc phải mặc đồ con trai, hớt tóc ngắn, bắt phải tập thể thao và tuyệt đối không được chơi cùng mấy đứa con gái. Cha của Xuân mấy lần đã phải xuống tay với "đứa con nghịch tặc" này.

Ở tuổi 17, Xuân càng bị hắt hủi vì đây là giai đoạn Xuân bắt đầu đi hát nhiều, lại công khai cách ăn mặc như một nữ ca sĩ… "Tôi bị ức chế tích tụ từ nhỏ. Hồi đó, tôi thấy người lớn đối xử bất công, đưa ra những giải thích không rõ ràng trong khi tôi không gây lỗi lầm gì. Khi đi ra đường, người ta vô cớ gõ đầu tôi nói: Mày là đồ bóng mén; Còn nhỏ mà bày đặt "dẹo", đồ pê-đê!...", Ái Xuân tâm sự.

 
Ca sĩ chuyển giới Ái Xuân và mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Một lần do bức bối quá vì bị chọc ghẹo, Ái Xuân bất ngờ lấy ghế đánh tét đầu một thanh niên 20 tuổi. Và, trước khi giải phẫu CĐGT, Xuân đã ba lần tìm đến cái chết để "giải thoát" cho mình (rất may, cả ba lần ấy đều được phát hiện kịp thời).

Gần đây, Ái Xuân sáng tác lời bài hát mang tên Thân sâu hồn bướm. Đây cũng là tựa đề Ái Xuân đặt cho album đầu tiên của mình. Ca sĩ Ái Xuân bộc bạch: "Bài này tôi rút gan rút ruột viết về câu chuyện đời mình. Thật éo le, chúng tôi mang thân xác của con sâu nhưng tâm hồn của con bướm nên chịu tiếng đời mai mỉa". Ái Xuân cho hay, sau này khi cha mẹ chia tay, Ái Xuân sống với mẹ. Ngày qua ngày, chứng kiến những nỗi đau thầm lặng của con mình, bà hiểu và thương Ái Xuân hơn. Trong phần mở đầu album Thân sâu hồn bướm, bà Phạm Thị Bình - mẹ Ái Xuân, có hò mấy câu buồn da diết do chính bà viết: "Hò ơ… Sanh con đâu có sanh lòng - Sanh ra chứng bệnh đau lòng mẹ cha - Cuộc đời sao lắm phong ba - Thương con mẹ phải xót xa lệ sầu…".

Kịch và đời thực

"Mỗi sáng thức dậy, tôi thảng thốt tự hỏi mình là ai trong cuộc đời này? Tại sao cuộc đời tôi lại trớ trêu đến thế?" là lời đề dẫn cho vở kịch Nỗi lòng do một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) Bầu trời xanh biểu diễn vào tối 11.11.2008 tại Trung tâm Văn hóa Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Ước tính VN có hơn 100 người độ tuổi trên dưới 30 đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như (Trưởng khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) - người đã có hơn 20 năm tìm hiểu về CĐGT, cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh những người giải phẫu CĐGT sẽ bị giảm tuổi thọ. Có chăng, khi sử dụng nội tiết nữ, những người CĐGT từ nam sang nữ dễ có nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch do cục máu đông.

Vở kịch kể về một người mẹ không chấp nhận thực tế đứa con bị đồng tính và ép anh này lấy vợ. Năn nỉ, giải thích hết lời không được, đứa con đành bỏ nhà đi tìm cơ hội chứng tỏ bản thân mình… Có diễn viên diễn xuất quá xúc động đến nỗi khán giả băn khoăn tự hỏi đó chỉ là nỗi lòng của nhân vật trong vở kịch, hay là nỗi lòng của chính những người đồng tính trong CLB này? Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng can thiệp giảm tác hại thuộc Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM chia sẻ: "Đứng ở góc độ một người mẹ, giả sử tôi có một đứa con đồng tính giống trong vở kịch, chắc tôi cũng đau khổ lắm nhưng sẽ phải chấp nhận con mình như thực thể nó đang tồn tại. Tôi không thể ép buộc nó lấy vợ, sinh con nối dõi tông đường, gây thêm đau khổ cho người khác!".

Dược sĩ Nguyễn Hồng Khanh, Chủ nhiệm CLB Bầu trời xanh cho biết, gần đây, ông có tham gia khảo sát hơn 300 người đồng tính trẻ trên địa bàn TP.HCM. Đa số những người này phản ánh họ chịu nhiều kỳ thị từ những người xung quanh, đặc biệt gia đình họ rất sốc khi phát hiện "sự thật phũ phàng" về con, em mình. Vì thế, nhiều người đồng tính phải thuê nhà khác ở, tránh phiền lụy cho người thân. Cũng tại CLB này, chúng tôi có quen H., một đồng đẳng viên của CLB. Trong cuộc sống thường nhật, H. phải phân thân đóng hai vai. Ban ngày, H. phải ăn mặc, xử sự như một người đàn ông trước mắt mọi người. Ban đêm, khi ra khỏi nhà và tham gia hoạt động của CLB, H. sung sướng được làm phụ nữ bằng cách đội tóc giả, độn ngực, tô son đánh phấn... H. từng nhiều lần thổ lộ khao khát muốn được CĐGT. Tuy nhiên, H. nơm nớp lo sợ phản ứng của gia đình và đồng nghiệp. Vả lại, số tiền để đi CĐGT là cả một gia tài đối với một nhân viên bình thường như H.… (còn tiếp).

Kỳ 2: Tôi là phụ nữ!

Phóng sự của Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.