img
Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 1.

Nhiều năm nay, gia đình chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã tích cực tham gia các hoạt động về môi trường, bởi vậy khi đề cập tới câu chuyện hành động thiết thực tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, chung tay hướng tới mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết, vị chuyên gia hồ hởi chia sẻ: "Gia đình tôi từ lâu đã sử dụng xe điện. Khi có điều kiện là gia đình tôi dùng ngay xe VF5, cả gia đình đều cảm thấy thoải mái hơn khá nhiều".

Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 2.

Quan ngại về những vấn đề ô nhiễm môi trường bủa vây, nữ chuyên gia phân tích: "Cái xót xa là những thành phố lớn, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước như Hà Nội, TP.HCM lại là những nơi ô nhiễm môi trường về mặt không khí tệ hại nhất, điều đó trước hết là do giao thông.

Các cam kết quốc tế thì ai cũng biết, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải nghĩ đến số phận của chính người dân Việt Nam. Ngoài việc đóng góp chung cho việc làm xanh hóa toàn cầu, trước hết chúng ta phải nghĩ đến chính bản thân mình. Thời điểm này, nếu không bắt tay thì là quá muộn. Các chương trình của Chính phủ đề ra và các bộ, ngành thực hiện rất nên tập trung, trước hết là cho người dân Việt Nam cải thiện được môi trường sống của mình, có cuộc sống tốt đẹp hơn, an toàn hơn về mặt môi trường".

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), trong toàn ngành GTVT, lĩnh vực giao thông đường bộ chịu trách nhiệm về phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 3.

Trong các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, theo kiểm kê phát thải năm 2014, đường bộ chịu trách nhiệm cho lượng phát thải CO2 lớn tới 80%. Sau 6 năm (2020), lĩnh vực GTVT đường bộ chịu trách nhiệm lên tới 85% lượng phát thải, tương đương 32 triệu tấn CO2 trong tổng số 38 triệu tấn CO2 mà toàn ngành GTVT phát thải ra.

Từ những phân tích trên, lãnh đạo Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông đường bộ rất quan trọng. Ngoài chiếm số lượng lớn phát thải, đây cũng là loại hình khả thi nhất vì các công nghệ đã sẵn sàng để chuyển đổi, hướng tới lượng phát thải bằng 0", bà Hiền nói.

Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 4.

Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 5.

Nhắc tới câu chuyện chuyển đổi năng lượng xanh, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nhấn mạnh: Chính phủ rất quyết tâm chuyển đổi xanh trong GTVT. Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, Thủ tướng đã ban hành Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT.

Mục tiêu là đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trên thực tế, các địa phương lớn cũng đang thể hiện quyết tâm rõ rệt trong chuyển đổi năng lượng xanh. Ví dụ điển hình như, TP.HCM hiện đang triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ngày 2.7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.Hà Nội đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển GTVT công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.

HĐND thành phố giao UBND thành phố tiếp thu các ý kiến của HĐND thành phố để hoàn thiện đề án, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến và phê duyệt theo trình tự quy định.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh bảo đảm phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước…

Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 6.

Đánh giá về điều này, ông Tùng nhấn mạnh, đây là bước đột phá rất mạnh mẽ khi Hà Nội mạnh dạn loại bỏ những phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang nguyên liệu sạch hơn như điện.

Nhìn nhận việc đưa ra các kịch bản để cùng nhau bàn bạc, phân tích, lựa chọn phương án tối ưu là cần thiết, theo ông Tùng: "Phương án nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi chúng ta nhìn những chiếc xe buýt điện chạy ngoài đường, nhiều người đều sẽ muốn Hà Nội quyết tâm chọn phương án đến năm 2030 chuyển đổi sang 100% xe buýt điện. Bởi vì xe buýt điện vừa sạch, vừa đẹp và bảo vệ môi trường".

Chuyển đổi năng lượng xanh: "Giờ không bắt tay làm sẽ là quá muộn"- Ảnh 7.

Trong bối cảnh gánh nặng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang từng ngày ảnh hướng đến sức khỏe, đời sống của người dân, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi các dòng phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả, mang ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung".

Rất ủng hộ việc chuyển đổi năng lượng xanh, cụ thể là với động thái của Hà Nội, song chuyên gia Phạm Chi Lan lưu ý: "Có đề án để triển khai thì tốt, nhưng làm như thế nào để tiết kiệm được chi phí công là điều phải tính toán, nên thật minh bạch cho xã hội biết. HĐND TP.Hà Nội nên tăng cường vai trò giám sát".

Khẳng định chuyển đổi xanh là nhiệm vụ tất yếu không chỉ riêng Việt Nam mà là của toàn nhân loại, các nước phát triển đã thực hiện hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Phương Hiền lưu ý: "Việt Nam giờ đây mới bắt đầu thực hiện. Vì vậy, thách thức lớn nhất là hoàn thiện khung thể chế, pháp lý, chính sách để trong khuôn khổ, chuyển đổi xanh được thực hiện".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.