img

Có sự khác biệt lớn trong tư duy chuyển đổi số giữa truyền thông thế giới và báo chí Việt Nam. Nếu như từ khóa nổi bật nhất trong các hội thảo về chuyển đổi số (digital transformation) do các hiệp hội báo chí hàng đầu như WAN-IFRA hay INMA tổ chức là “đa dạng hóa nguồn thu", thì dường như chúng ta vẫn coi đó như nhiệm vụ chính trị hơn là một hướng đi mới trong kinh tế báo chí.

Thực tế là từ cách đây 10 năm, khi truyền thông quốc tế chứng kiến những một cuộc di cư từ báo giấy lên báo điện tử thì nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng nguồn thu của báo chí không đi cùng chiều với cuộc di cư đó. Theo lẽ thường, nếu doanh thu từ quảng cáo trên báo in sụt giảm thì đương nhiên nguồn tiền quảng cáo sẽ đổ sang các nền tảng số. Nhưng chỉ có điều, nó không chảy vào phiên bản điện tử của các báo, mà là vào túi các gã khổng lồ công nghệ, bởi họ đã nhanh nhạy hơn trong cuộc chiến không hề cân sức.

Chuyển đổi số thực chất - Ảnh 1.

Năm 2018, người viết cùng các đồng nghiệp của Báo Thanh Niên có dịp dự hội thảo thường niên về báo chí châu Á (Publish Asia) do WAN-IFRA tổ chức ở Bali, Indonesia. Thời điểm đó, báo cáo của WAN-IFRA cho biết có tới 75% doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số thuộc về Google và Facebook. Giờ đây, tình hình cũng không khá hơn đối với báo chí, nếu không muốn nói là tệ hơn.

Khi nhìn lại tiến trình phát triển của truyền thông kỹ thuật số, bà Ladina Heimgartner, CEO của Ringier AG và Blick Group thừa nhận rằng báo chí đã để lỡ chuyến tàu của làn sóng công nghệ 4.0. Khi các gã khổng lồ công nghệ đã âm thầm thu thập dữ liệu người dùng để điều hướng, phân phối nội dung bằng những thuật toán phức tạp của mình, để phục vụ cho mục tiêu cao hơn là doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số, thì báo chí vẫn đau đầu với câu hỏi độc giả mình là ai?

Chuyển đổi số thực chất - Ảnh 2.

Giải được thì đã lỡ tàu, chuyến tàu công nghệ tiếp theo hiện giờ là trí tuệ nhân tạo, mà nếu vẫn mải mê với những tranh cãi về quyền riêng tư, đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn là báo chí sẽ bị bỏ lại sân ga một lần nữa. Nói như Peter Bale, trưởng Bộ phận Sáng kiến tòa soạn của INMA thì chúng ta cần loại bỏ nỗi sợ hãi AI và chủ động trong việc đưa nó vào ứng dụng trong tòa soạn.

Tuy vậy, đó lại là câu chuyện khác. Và quay trở lại với chủ đề kinh tế báo chí thì một điểm khác biệt nữa giữa truyền thông quốc tế và báo chí Việt Nam là, nếu như thiên hạ coi nguồn thu từ độc giả là hướng đi bền vững, thì chúng ta lại vẫn dè bỉu nhau mỗi khi có cơ quan báo chí nào đó muốn đi theo con đường thu phí người đọc.

Dĩ nhiên, không phải cứ dựng tường phí lên là sẽ thu được tiền, và chưa một cơ quan báo chí nào tại Việt Nam có thể vỗ ngực nói rằng tôi đã thành công với chiến lược ấy. Nhưng càng tránh né nó thì chúng ta lại càng chậm chân trong chuyến tàu công nghệ như đã nói ở phần trên.

Chuyển đổi số thực chất - Ảnh 3.

Năm ngoái, một đồng nghiệp ở Thanh Niên cũng đã gửi cho người viết một phiếu điều tra nhu cầu độc giả, và dù chưa biết tờ báo này đã khởi động kế hoạch thu phí ra sao, nhưng chắc chắn đấy là một bước đi thực sự nghiêm túc. Chúng ta cũng không thiếu các cơ hội để làm được như các cơ quan báo chí nước ngoài, dù vẫn còn một khoảng cách lớn về công nghệ, đòi hỏi sự đầu tư quyết liệt. Nhưng cánh cửa thì cũng đã mở. Một số tờ báo tại Việt Nam (trong đó có Thanh Niên, Tuổi trẻ, VietnamPlus) cũng đã tham gia vào khóa đào tạo dài hơi với các chuyên gia của tờ Financial Times (Anh), hoặc có cơ hội tham gia những khóa đào tạo, tập huấn liên tục do Cục Báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp cùng một số đối tác quốc tế lớn tổ chức.

Đấy là những tiền đề thúc đẩy rất nhiều cơ quan báo chí khác cũng tiến hành chuyển đổi số một cách thực chất, thay vì hô khẩu hiệu, mà Thanh Niên là một trong những tờ báo năng động nhất. Hồi đầu tháng này, tờ tạp chí của INMA đã giới thiệu mô hình phát triển các nền tảng số của tờ Sydney Morning Herald. Theo đó, tờ báo hàng đầu Australia mới đạt được cột mốc đáng kể là cán mốc 100.000 người theo dõi trên YouTube. Trong khi đó, Thanh Niên thì từ lâu đã vượt mốc… 5 triệu subscriber!

Đương nhiên, mọi so sánh đều là khập khiễng nếu nói về quy mô dân số, trình độ học vấn… Nhưng con số mà Thanh Niên đạt được đáng để tự hào, bởi cũng không nhiều tờ báo trên thế giới làm được điều đó. Điều quan trọng là Thanh Niên đã hoàn thiện cả hệ sinh thái số, để hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh khác, bên cạnh mô hình đối tác của các nền tảng số.

Chuyển đổi số thực chất - Ảnh 4.

Trong báo cáo Insights 2022 của WAN-IFRA, mô hình doanh thu từ chương trình đối tác trên các nền tảng số cũng được ghi nhận là một trong những cách kiếm tiền quan trọng của các cơ quan báo chí, bên cạnh những trụ cột gồm doanh thu từ độc giả, quảng cáo, tổ chức sự kiện, agency… Mà đó đều là những mặt Thanh Niên đang làm tốt, khi chuyển đổi những nguồn thu truyền thống sang nguồn thu từ môi trường số.

Mà như đã nói từ đầu, thì đó mới là chuyển đổi số thực chất!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.