Cách đây 340 ngày, Scott Kelly rời trái đất đến sống ở Trạm không gian quốc tế ISS phục vụ mục đích cao cả: để các nhà khoa học phân tích xem con người có thể tồn tại trên sao Hỏa trong tương lai hay không.
Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Scott Kelly - Ảnh: NASA |
Cú chạm đất mang tính lịch sử với ngành nghiên cứu vũ trụ Mỹ diễn ra ngày 2.3 tại một vùng hẻo lánh ở Kazakhstan. Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Scott Kelly cùng hai phi hành gia người Nga được chào đón nồng nhiệt. Với nước Mỹ, người đàn ông Mỹ 52 tuổi này đã lập được kỷ lục phi hành gia người Mỹ có tổng số ngày sống trong vũ trụ lớn nhất - 540 ngày dù nếu so với nước Nga thì hẳn còn lâu mới có người vượt qua kỷ lục 879 ngày của phi hành gia Gennady Padalka.
Scott tự tiêm vaccine cúm cho mình trên trạm ISS
|
Sau 340 ngày liên tục sống trong không gian, hành trình của Scott Kelly kết thúc với những con số kỷ lục.
- 127 chuyến bay: Mà tàu vũ trụ Soyuz đã thực hiện.
- 382 ngày: Đây là kỷ lục tổng số ngày sống trong không gian mà một nhà du hành vũ trụ người Mỹ đạt được trước đây. Giờ đây, Kelly lập kỷ lục mới với 540 ngày tổng cộng trong 4 chuyến du hành.
- 193 gallon nước tiểu và mồ hôi “tái chế”: Mà Kelly đã uống trong chuyến đi này.
- Một vài mili giây: So với người anh sinh đôi sống ở trái đất, Kelly già chậm hơn một vài mili giây nhờ thời gian bay quanh trái đất.
- 25 phút rơi tự do: Để được chạm chân xuống mặt đất, Kelly phải trải qua cú rơi tự do kéo dài 25 phút sau khi vào vùng khí quyển của trái đất trên khoang tàu Soyuz.
- 72 độ F (khoảng 22,2 độ C): Suốt 1 năm trên trạm ISS, Kelly không được trải qua cảm giác 4 mùa thay lá. Nhiệt độ ở trạm không gian quốc tế luôn ở mức 72 độ F trong khi nhiệt độ bên ngoài có thể nóng hoặc lạnh hơn những hàng trăm độ.
- 10.900 lần ngắm bình minh và hoàng hôn: Và Kelly thường xuyên chia sẻ những bức ảnh do anh chụp trên mạng xã hội.
- 13.840.000 triệu dặm: Đây là quãng đường mà Kelly đã đi qua khi thực hiện 5.440 đợt bay theo quỹ đạo.
- 6 lần đi bộ trong không gian: Là số lần mà Kelly và phi hành gia Kornieko kết hợp để hỗ trợ và để tự thân thực hiện các chuyến đi bộ trong không gian.
- 648 dặm: Là tổng quãng đường mà Kelly chạy bộ trên máy chạy bộ trong thời gian ở ISS.
- Hơn 700 lần post trên Instagram: Kelly là một trong những người được theo dõi nhiều trên mạng xã hội này.
Thu hoạch mẻ rau diếp đầu tiên cùng đồng nghiệp người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) Kjell Lindgren
|
Trong khoang quan sát tên Cupola của trạm ISS, có thể nhìn thấy Trái đất 360 độ
|
Cơ thể con người sau một năm sống trong vũ trụ
Scott Kelly có thời gian sống trong vũ trụ dài hơn bất kỳ nhà du hành vũ trụ người Mỹ nào trong lịch sử. Nhưng có lẽ “thành tích” duy nhất để Scott tự hào “lên mặt” với người anh trai sinh đôi Mark - một phi hành gia NASA đã nghỉ hưu là Scott đã cao hơn Mark những 2 inch (5,08 cm) sau 1 năm du hí ngoài trái đất.
Đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng thú vị bởi sắp tới đây cặp sinh đôi này sẽ là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học để có thể hình dung được con người sẽ trải qua những thay đổi gien thế nào nếu sống trong vũ trụ, với tên gọi Twin Studies.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản do Viện Nghiên cứu sinh hóa không gian quốc gia Mỹ và NASA cung cấp.
|
Xương giòn
Một khi vào trong tàu vũ trụ, các phi hành gia không phải đi bộ bởi họ sống đời “trôi nổi”. Vì thế xương ở chân, hông và cột sống được giảm tải áp lực, khiến xương trở nên giòn và yếu. Thêm vào đó, sự giải phóng can xi cũng tăng nguy cơ tạo ra sỏi mật và rạn nứt xương.
Cơ yếu
Những chuyến bay trong vũ trụ càng dài thì càng tạo cơ hội cho 2 chân và lưng của phi hành gia nghỉ ngơi. Bởi vậy, cơ bắt đầu yếu đi, thậm chí còn teo lại nên các phi hành gia dễ gặp phải chấn thương một khi té ngã trong lúc thám hiểm.
Mặt sưng, chân nhỏ
Trong vũ trụ, máu ở phần trên của cơ thể con người lưu thông nhanh hơn và ngược lại ở phần dưới thì chậm hơn. Điều này lý giải vì sao đa phần các phi hành gia đều bị to mặt và chân (chu vi) lại nhỏ đi.
Tim nhỏ hơn
Trong không gian vũ trụ, quả tim không phải làm việc nhiều. Theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thu nhỏ kích cỡ tim. Thêm một điều đáng lo ngại nữa là mức độ phóng xạ trong vũ trụ có thể tác động đến các tế bào màng trong, lớp màng bảo vệ mạch máu và điều này sẽ gây ra hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Kiểm soát cân bằng
Tai giữa của con người, vốn nhạy cảm với trọng lực, không thể thực hiện đúng chức năng trong không gian. Lúc mới lên vũ trụ, các phi hành gia có thể bị mất phương hướng, chóng mặt. Rồi khi trở về trái đất, họ lại phải tập thích nghi với trọng lực và sẽ gặp khó khăn trong việc đứng lên, định hướng ánh nhìn, đi lại và quay trái/phải.
Nguy cơ ung thư tăng
Các phi hành gia bị phơi nhiễm với mức độ bức xạ cao hơn khi sống trong vũ trụ, bởi vậy dễ bị ung thư và đục thủy tinh thể.
Đồng hồ sinh học đảo lộn
Trong vũ trụ không tồn tại chu kỳ ngày/đêm 24 tiếng nên đồng hồ sinh học của phi hành gia phải điều chỉnh để thích ứng với chu kỳ này sau khi trở về trái đất.
Chiều cao tăng lên
Các phi hành gia sẽ cao hơn khi sống trong không gian vũ trụ vì sự thay đổi trong đĩa đệm của cột sống. Trên trái đất, các đĩa đệm bị nén nhẹ lại do trọng lực. Nhưng trong vũ trụ, tình trạng nén này không tồn tại, khiến các đĩa đệm giãn nở ra. Và kết quả là cột sống được kéo ra khiến phi hành gia cao hơn bình thường.
Bình luận (0)