(TNO) Đây là một trong những kết quả nghiên cứu khảo sát về hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Thanh tra Chính phủ công bố vào sáng 4.4.
>> Tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng gây bức xúc xã hội
>> Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng trong đầu tư giao thông
>> Trả tiền cho người cung cấp thông tin tham nhũng
>> Liều thuốc mạnh trị tham nhũng
Nghiên cứu tập trung vào hình thức, cấp độ và quy mô của tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại 6 tỉnh/TP: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ.
Kết quả thu được từ khảo sát bằng bảng hỏi trực tiếp tới 270 doanh nghiệp, 7 cuộc thảo luận nhóm và 12 cuộc phỏng vấn sâu các doanh nghiệp, hiệp hội, cán bộ nhà nước cho thấy: Hầu hết các doanh nghiệp đều thừa nhận họ vừa là tác nhân vừa là nạn nhân gây ra tham nhũng.
Theo kết quả nghiên cứu, quy mô tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp, từ việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất đến thuế, hải quan, quản lý thị trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội...
Hình thức tham nhũng phổ biến nhất trong quan hệ doanh nghiệp - cơ quan nhà nước được nhận diện dưới dạng đưa phong bì. Đây được xem như là một thông lệ chung mặc định trong quan hệ giao dịch.
Hơn 50% ý kiến của doanh nghiệp đồng ý về việc đưa phong bì là “theo thông lệ chung”. Gần 50% ý kiến đồng ý cho rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".
Ngoài ra, tham nhũng cũng được nhận diện dưới các quà tặng, cổ phần, cổ phiếu, mời đi du lịch…
Những năm qua, Chính phủ đã triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên để tiếp cận được đồng vốn, có tới 60% doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng.
Gần 40% doanh nghiệp cho rằng phải có tiền bồi dưỡng cán bộ tín dụng thì mới được vay vốn.
Trong việc đấu thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cũng có tới 50% cho rằng “việc gửi quà biếu cho cán bộ phụ trách đấu thầu là rất phổ biến”.
Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39,9% doanh nghiệp tin rằng “phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất”, điều đó khẳng định, việc có quan hệ thân thiết vẫn chiếm một “chỗ đứng” quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề giao đất, cấp đất. Hơn 18% doanh nghiệp cho biết họ được cán bộ giải quyết gợi ý đưa phong bì khi làm các thủ tục trong lĩnh vực này.
Có tới 40% doanh nghiệp cho biết khoản chi phí không chính thức chiếm khoảng 1% trong tổng số chi phí hằng năm của doanh nghiệp; 13% doanh nghiệp cho rằng khoản này chiếm tới hơn 5%.
Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị giảm thiểu vai trò của doanh nghiệp với tư cách là tác nhân của tham nhũng bằng cách: tăng cường minh bạch về thông tin và các quy định của pháp luật; cung cấp đầy đủ thông tin, quy định pháp luật cho doanh nghiệp; hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ nhà nước. Đồng thời khuyến khích toàn dân tham gia giám sát, phòng chống tham nhũng.
Thái Sơn
Bình luận (0)