(Tin Nóng) Trag tin topwar (Nga) mới đây có bài viết của một chuyên gia Nga nghi ngờ việc Trung Quốc vừa khoe chế tạo được máy bay bội siêu thanh, tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh, tức hơn 6.000 km/giờ. Lý do là Trung Quốc không có khả năng về động cơ loại này.
Đồ họa 3D mẫu máy bay bội siêu thanh Wu-14 của Trung Quốc – Nguồn: defence-blog.com
|
Theo Topwar ngày 30.10, gần đây truyền thông Trung Quốc khoe nước này đã chế tạo mẫu máy bay có tốc độ bội siêu thanh, qua mặt máy bay bay nhanh nhất hiện nay là SR-71 Blackbird của Mỹ. Hãng tin TASS đưa tin, báo chí Trung Quốc dẫn lời chuyên gia quân sự Lu Xiaodong nói trên truyền hình Hồ Bắc rằng máy bay bội siêu thanh của Trung Quốc vừa thử nghiệm lần đầu thành công. "Mỹ từng tiến hành chế tạo máy bay bội siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 5 (hơn 6.000 km/giờ) nhưng kế hoạch này vẫn còn trên giấy. Còn Trung Quốc đã cho bay thử trong khí quyển trái đất”, chuyên gia này nói.
Chuyên gia Trung Quốc này cho hay để làm chủ công nghệ máy bay bội siêu thanh phải nắm được công nghệ động cơ phản lực ramjet (động cơ phản lực dòng khí thẳng, thường sử dụng cho tên lửa), vật liệu có sức bền cao và chống cháy, chịu nhiệt cao. Ông Lou Xiaodong cũng nói máy bay bội siêu thanh này dễ dàng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện tại trên thế giới, và tiếp cận mục tiêu nhanh đến nỗi đối phương không có thì giờ phản ứng và phóng tên lửa ngăn chặn. Loại máy bay này rất thích hợp để trinh sát trên không, theo chuyên gia Xiaodong.
Người ta cho rằng Trung Quốc đang đầu tư phát triển loại máy bay bội siêu thanh tên là Wu-14. Trang tin quốc phòng defence-blog.com cho biết do thiếu thông tin nên Bộ Quốc phòng và các chuyên gia quân sự Mỹ chỉ có thể dựng lên mô phỏng 3D về loại máy bay này bằng cách dùng các ảnh vệ tinh chụp một chiếc được cho là Wu-14 đang đậu trên đường băng một trung tâm thử nghiệm ở tây nam Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh chụp mẫu Wu-14 của Trung Quốc
|
Thực ra công nghệ bay bội siêu thanh không phải là điều bí mật quân sự gì. Vào tháng 8.2015, Văn phòng sáng chế Mỹ đã cấp bằng sáng chế cho Airbus về dự án máy bay chở khách bội siêu thanh, có thể bay từ Tokyo đến Los Angeles hay từ Paris đến San Francisco chỉ mất 3 giờ.
Nga cũng có dự án chế tạo máy bay bội siêu thanh với một mẫu thử nghiệm tiến hành hồi tháng 2.2015, theo Washington Free Beacon. Theo tờ báo Mỹ, một mẫu thử này gọi là U-71 đã được tên lửa liên lục địa SS-19 Stilet ở bãi thử Orenburg mang lên quỹ đạo trái đất và từ đó máy bay được phóng ra. Mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu bội siêu thanh sẽ được thử cho đến năm 2025. Đã có 24 chiếc U-71 sẵn sàng tích hợp với tên lửa đạn đạo mới Sarmat của Nga.
U-71 nằm trong dự án mật 4202, khởi động từ năm 2009, có thể mang được vũ khí thông thường lẫn hạt nhân, có tốc độ bay hơn 11.000 km/giờ, khiến các hệ thống phòng không hiện tại trở nên vô dụng. Tạp chí quốc phòng Jane’s cho rằng U-71 đã thử nghiệm được 4 lần, lần đầu vào tháng 12.2011, lần hai là tháng 9.2013, lần ba vào năm 2014 và mới đây là tháng 2.2015.
Washington Free Beacon cho rằng Trung Quốc cũng thử nghiệm máy bay bội siêu thanh và đã phóng thử vào năm 2014.
Tuy vậy, các chuyên gia Nga nghi ngờ khả năng này của Trung Quốc. Ông Victor Murakhovski, tổng biên tập tạp chí Vũ khí của tổ quốc và là thành viên hội đồng chuyên gia Đại học công nghiệp quân sự Nga không tin vào thông tin báo chí Trung Quốc về việc thử nghiệm máy bay bội siêu thanh. Theo ông, tốc độ Mach 5 hiện nay đang phát triển cho các loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, nhưng đó là loại thiết bị không có người lái. Nếu nói về máy bay có người lái mà đạt tốc độ như trên thì hiện nay chỉ là các mẫu đang thử nghiệm, mà chỉ có Mỹ và Nga là đủ khả năng về công nghệ để thực hiện. Còn sản phẩm hoàn tất cuối cùng thì cả 2 nước chưa có.
Mẫu thử nghiệm X-51 của Boeing, tốc độ Mach 5, vẫn đang tiếp tục thử nghiệm sau nhiều lần thất bại - Ảnh: Boeing
|
Chuyên gia này cho rằng phải mất nhiều thời gian hơn nữa trước khi loại máy bay bội siêu thanh thực sự ra đời. Cần thiết phải giải quyết vấn đề về động cơ, kế đó là hệ thống kiểm soát, vật liệu bọc thân máy bay. Vì vậy ông không tin Trung Quốc đã cho bay thử máy bay bội siêu thanh.
Một chuyên gia khác, ông Oleg Panteleyev, phụ trách cổng thông tin phân tích tin hàng không AviaPort cũng bày tỏ nghi ngờ về việc này khi cho rằng tốc độ Mach 5 chỉ đạt được trong phòng thí nghiệm chừng 1,5 giây. Theo ông, cho đến nay chưa nước nào chế được thiết bị bay có vận tốc hơn Mach 5, cả Nga và Mỹ mới thí nghiệm động cơ có tốc độ này chỉ vài giây, và chưa đủ để hoàn thiện thành sản phẩm sau cùng.
Hơn nữa, với trình độ phát triển và khai thác công nghệ vệ tinh cũng như UAV tàng hình tương đối rẻ tiền hiện nay, mong muốn về một loại máy bay đắt tiền như vậy có vẻ mơ hồ, và đó chính xác là thông tin mà Trung Quốc muốn nói họ là một trong những nước có tiềm năng chế tạo máy bay như vậy.
SR-71 Blackbird là một trong những máy bay bay nhanh nhất thế giới hiện nay, tốc độ đến 3.540 km/giờ, bay cao 24 km, do Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo cách đây hơn 50 năm, nay đã không còn bay - Ảnh: Lockheed Martin
|
Gần đây Mỹ đã nghiên cứu cải tiến máy bay do thám mới, khi vào tháng 8.2015 tập đoàn Lockheed Martin bắt đầu phát triển mẫu máy bay do thám tàng hình trên cơ sở kết hợp loại U-2 cũ và UAV loại Global Hawk. Loại máy bay U-2 đời mới này có thể bay cao 23 km, và ông Oleg Panteleev cho rằng dự án này có tính hiện thực hơn là máy bay bội siêu thanh của Trung Quốc.
Anh Sơn
>> MiG-105, dự án máy bay vũ trụ thời Liên Xô
>> Mỹ bắt tay nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6
>> Mỹ thử nghiệm vũ khí siêu thanh bị thất bại
Bình luận (0)