Tiến sĩ Lauren Strerich, giáo sư sản khoa và phụ khoa của Trung tâm Y học tình dục và mãn kinh Tây Bắc (Mỹ), đã làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm phổ biến về bộ phận âm đạo của phụ nữ.
Âm hộ và âm đạo không giống nhau đâu!
Bà Lauren Strerich cho biết đến "90% số lần", phụ nữ dùng thuật ngữ sai cho bộ phận sinh dục của họ. Bà giải thích trên Today: "Khi ai đó nói với tôi rằng bị đau hoặc nổi mẩn ở âm đạo, 100% số lần, vết đau thực sự nằm trên âm hộ của cô ấy cơ. Âm hộ là mô sinh dục bên ngoài, trái ngược với cấu trúc bên trong không ai nhìn thấy, trừ khi bạn là bác sĩ phụ khoa hoặc dùng đến mỏ vịt”.
Bà Strerich nói thêm rằng sự khác biệt giữa hai bộ phận cơ thể là quan trọng, và sự chính xác trong việc dùng từ khai bệnh là chìa khóa chẩn trị đúng, tiết kiệm thời gian.
Nếu “cô bé” có mùi khó chịu thì rửa sạch, xịt thơm thôi sẽ không hết đâu!
Vừa là bác sĩ phụ khoa vừa là phụ nữ, bà Strerich ghét ý tưởng cho rằng bộ phận sinh dục của phụ nữ "luôn cần được làm sạch và làm thơm". Theo bà, nhiều sản phẩm phổ biến ngoài thị trường được thiết kế để “giảm hoặc che giấu mùi”. Nhưng “nếu có mùi khó chịu, nó hầu như luôn là kết quả của BV - bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn, một tình trạng khi vi khuẩn không lành mạnh tràn ngập âm đạo và gây ra mùi tanh và tiết dịch - gây ra bởi sự mất cân bằng vi khuẩn bên trong âm đạo. Đó là lý do tại sao tất cả các thể loại nước hoa vùng kín trên kệ hàng là vô giá trị. Nó giống như việc bạn rửa mặt và cứ hy vọng mùi hôi sẽ biến mất ấy. Nếu có mùi, hãy tìm hiểu nguyên nhân gây ra mùi và xử lý nó”, bà Strerich chia sẻ với Today.
Bà Strerich nhấn mạnh đặc tính tự làm sạch của âm đạo. "Không cần phải làm sạch bộ phận sinh dục của bạn bằng cách sử dụng bất cứ thứ gì ngoài xà phòng và nước đơn giản. Không bao giờ cần phải làm sạch sâu bên trong bộ phận sinh dục”, nữ bác sĩ lưu ý.
Cẩn thận khi định dùng thực phẩm để bôi trơn
Bà Strerich nói rằng việc phụ nữ gặp phải tình trạng khô âm đạo là điều phổ biến tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ, nhưng giải pháp không nằm ở tủ bếp. Đề xuất bôi trơn thường thấy như dầu dừa có thể nguy hiểm và dẫn đến nhiễm trùng.
"Dầu dừa nghe có vẻ là một giải pháp tốt nhưng dầu liên quan đến sự gia tăng nhiễm trùng âm đạo. Chúng không trơn lắm và không tương thích với bao cao su. Chất bôi trơn gốc nước cũng không phải giải pháp tốt nhất. Chúng có một số chất phụ gia gây tổn hại và mất nước cho các mô âm đạo", bà Strerich giải thích.
Thay vào đó, bà Strerich khuyên bạn nên sử dụng chất bôi trơn silicon, vì nó "siêu trơn" và không gây nhiễm trùng hoặc làm hỏng các mô.
Bài tập cho sàn chậu cần huấn luyện viên
Kegel là một giải pháp cho vụ bàng quang rò rỉ, nhưng "các nghiên cứu cho thấy phần lớn phụ nữ không thực hiện bài tập Kegel chính xác hoặc nhất quán, vì vậy, nó không mang lại tác dụng", bà Strerich nói. Bà cho rằng nên tìm đến chuyên gia nhưng ít người có điều kiện như thế. Do vậy, nên tìm thiết bị hỗ trợ có chứng nhận của FDA rồi tập tại nhà để giảm rò rỉ nước tiểu.
Có cần gặp bác sĩ phụ khoa định kỳ?
Strerich nói các tình trạng như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, ung thư âm hộ hoặc âm đạo, u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung… có thể được phát hiện bởi bác sĩ phụ khoa. Việc đi khám phụ khoa nên là hoạt động thường xuyên.
Dọn dẹp lông vùng kín có an toàn không?
Bà Strerich chống lại việc loại bỏ lông mu, vì nó sinh ra để phục vụ mục đích sinh học. "Mục đích của lông vùng sinh dục làm trơn và giảm ma sát khi quan hệ. Nó cũng giữ ấm bộ phận sinh dục nữa”, bà nói. Bà Strerich cảnh báo trên Today, nhiều chuẩn mực xã hội xung quanh việc cạo hoặc loại bỏ lông sinh dục được tạo ra bởi ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô la thu lợi từ việc tẩy lông mà thôi.
Bình luận (0)