Chuyên gia Trung Quốc muốn nghiên cứu gien của 80 triệu người tại hơn 100 nước

Khánh An
Khánh An
20/09/2024 15:49 GMT+7

Chuyên gia Trung Quốc đề xuất dự án nhằm nghiên cứu sâu hơn về bộ gien người, với mục tiêu giải trình tự bộ gien của 80 triệu người từ hơn 100 nước.

Chuyên gia Trung Quốc muốn nghiên cứu gien của 80 triệu người tại hơn 100 nước- Ảnh 1.

Kỹ thuật viên tại một phòng xét nghiệm di truyền tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

ẢNH: REUTERS

Tờ South China Morning Post ngày 20.9 đưa tin một nhóm chuyên gia Trung Quốc vừa khởi động một kế hoạch quốc tế nhằm tăng số năm sống khỏe mạnh của con người, khi đề xuất một giai đoạn mới của dự án tìm hiểu sâu hơn về bộ gien người.

Dựa trên những thành tựu mang tính bước ngoặt trong việc lần đầu lập trình tự bộ gien người cách đây 2 thập niên, các nhà nghiên cứu đề xuất giải trình tự gien của hơn 1% dân số thế giới từ hơn 100 quốc gia, tương đương 80 triệu người.

Dữ liệu và kết quả sẽ được sử dụng để kéo dài thời gian sống khỏe mạnh của con người bằng cách cải thiện các hoạt động y tế như xét nghiệm sàng lọc bệnh di truyền và chẩn đoán bệnh hiếm gặp, cũng như đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực y tế công cộng chính xác.

Y tế công cộng chính xác đề cập việc "sử dụng các công nghệ tiên tiến, phân tích dữ liệu và can thiệp để ngăn ngừa bệnh tật, thúc đẩy sức khỏe và cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cấp độ dân số", theo đề xuất của Dự án Bộ gien người II (HGP2), được công bố trên tạp chí Cell Research. Các nhà nghiên cứu tham gia dự án đến từ các viện nghiên cứu ở 15 quốc gia.

"HGP2 chắc chắn sẽ không dừng lại ở 1% dân số thế giới. Tuy nhiên, khi đạt các mục tiêu đặt ra cho 1% đầu tiên, chúng tôi tin rằng HGP2 sẽ khởi xướng một sự thay đổi mô hình vĩnh viễn hướng tới sức khỏe cộng đồng chính xác trên toàn cầu. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho phần còn lại của nhân loại sử dụng bộ gien của họ để có cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn", nhóm nghiên cứu cho biết.

Dự án bộ gien người được khởi động vào năm 1990 dưới sự lãnh đạo của bác sĩ - nhà di truyền học người Mỹ Francis Collins, với sự tài trợ từ Bộ Năng lượng và Viện Y tế quốc gia Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.