Kết hợp nguồn tư liệu từ những người phương Tây từng đến Sài Gòn - Chợ Lớn xưa đăng tải trên báo nước ngoài, những sách vở ghi chép về Sài Gòn từ các thư viện lớn ở Pháp, Singapore, cùng với việc trực tiếp khảo sát những di tích còn lại của Sài Gòn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (một Việt kiều Úc) đã cho ra đời bộ sách về Sài Gòn - Chợ Lớn xưa mang nhiều thông tin mới mẻ, thú vị.
Buổi ra mắt bộ sách của ông Hiệp (gồm Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, Sài Gòn - Chợ Lớn - thể thao và báo chí trước 1945) vào sáng qua (22.7) tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM đã thu hút đông đảo bạn đọc ở nhiều độ tuổi, lĩnh vực khác nhau. Cuộc giao lưu cùng tác giả Nguyễn Đức Hiệp, TS Nguyễn Thị Hậu (Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN), ông Tim Doling (nhà nghiên cứu người Ireland đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM) đã diễn ra rất sôi nổi, hào hứng.
Với nhiều nguồn tư liệu được sưu tầm, nghiên cứu ở các thư viện, nhất là thư viện ở nước ngoài (thư viện quốc gia Pháp, Singapore), đặc biệt là nguồn tư liệu cá nhân được tích lũy từ hàng chục năm nay, những “câu chuyện nhỏ” (cụm từ mà ông đã dùng khi nói về bộ sách này, cũng như những ấn phẩm sắp phát hành) về Sài Gòn - Chợ Lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa, đô thị, kiến trúc, báo chí, thể thao, sân khấu... giúp độc giả dễ dàng hình dung một Sài Gòn - Chợ Lớn xưa.
|
Tác giả cho biết trong quá trình nghiên cứu - tổng hợp, ông đặc biệt chú trọng đến khai thác những tư liệu mà trước đây ít được chú ý hoặc có đề cập nhưng chưa đầy đủ. Chẳng hạn như chuyện về cộng đồng người Đức ở Sài Gòn - đa số là các doanh nhân chuyên về dịch vụ bảo hiểm, chuyên chở hàng hóa qua tàu biển (nổi tiếng nhất là ông Speidel, chủ của hai nhà máy xay lúa lớn nhất Nam kỳ nằm dọc kênh Tàu Hủ) khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Hay chuyện ít người biết về cuộc sống lưu vong 32 năm ở Sài Gòn cho đến trước khi mất của hoàng tử Miến Điện Myingun sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Miến Điện ở Mandaday vào năm 1866. Một trong ba người vợ của ông hoàng này là người Việt, và bà Daw Phyu - con gái ông, người sản xuất dầu cù là Mac - Phsu nổi tiếng, là một thương gia có thế lực ở VN.
Đặc biệt, khi viết về doanh nhân Trương Văn Bền, được xem là “người đầu đàn về kỹ nghệ của VN” vào đầu thế kỷ 20, Nguyễn Đức Hiệp đã may mắn liên lạc được với cháu nội của Trương Văn Bền là anh Phillipe Trương, hiện sống ở Pháp. Do đó, ông có được những trang viết sống động về nhân vật này. Những thông tin ít người biết về Trương Văn Bền còn được tác giả tìm thấy qua các biên bản chính thức của các buổi họp hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương mà Trương Văn Bền là một thành viên. Hoặc khi viết về thể thao, từ tư liệu báo chí ở Thư viện quốc gia Singapore, tác giả đã cung cấp thông tin về chuyến bay hàng không đầu tiên ở Đông Nam Á năm 1910, năm mà phi công người Bỉ Charles Van den Born cất cánh bay trên chiếc Farman IV ở trường đua Sài Gòn.
Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ, đơn vị phát hành sách cho biết: “Với lợi thế về vốn tiếng Pháp và tiếng Anh, Nguyễn Đức Hiệp tiếp cận nhiều nguồn tư liệu phong phú, nên khi nghiên cứu, đối chiếu với tư liệu trong nước, đã đưa ra những thông tin một cách khách quan và đầy đủ. Chẳng hạn những trang viết về vấn đề giao thương của Sài Gòn dưới thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt; hay chi tiết rất nhỏ nhưng thú vị trong vấn đề sinh hoạt của người dân: tại sao khi qua phà thì phụ nữ trả tiền còn đàn ông lại không...”. Còn TS Nguyễn Thị Hậu, dưới góc độ người đọc, cho rằng: “Đây là bộ sách lịch sử dễ đọc, hấp dẫn, với nhiều tư liệu chuẩn xác, phong phú về hình ảnh, giọng văn gần gũi, cách viết thu hút khi lồng trong đó còn là tình cảm, cảm xúc của chính tác giả với quê hương mình”.
|
Bình luận (0)