Vở múa Chuyện kể những chiếc giày |
>> “Chuyện kể những chiếc giày” tái xuất
Cũng như các lần công diễn trước, Chuyện kể những chiếc giày phiên bản năm 2011 là những mảnh ghép cuộc đời kể về những con người đam mê nghệ thuật múa, những diễn viên múa với nhiệt huyết và lòng kiên trì bền bỉ theo đuổi khát khao nghệ thuật của đời mình, cùng những cống hiến, hi sinh thầm lặng, và hơn hết là tình yêu vẹn tròn dành cho múa.
|
Đó có thể là một vũ công múa phụ họa cho cô ca sĩ “nửa vời” Hồ Ngọc Hường (một nhân vật trong câu chuyện), để đem lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả, cô liên tục "chạy sô" rồi đến lớp dạy múa với hình dáng của một giáo viên chuyên nghiệp.
Hay những học sinh múa cần mẫn trên sàn tập, trong những buổi học, để rồi vất vả trong cuộc mưu sinh, khi nuôi dưỡng tình yêu với múa bằng những bài múa lễ nghi mở đầu trong tiệc cưới, hội nghị, sự kiện... Rồi thấp thoáng hình ảnh người giáo viên ba-lê kiên trì nắn nót từng động tác cho lớp trẻ đang bắt đầu những bước chập chững đầu tiên trên con đường nghệ thuật múa...
|
Với những chiếc giày, trên sàn diễn, dưới ánh đèn sân khấu, những giọt mồ hôi và cả nước mắt vất vả đổ xuống trên sàn tập, và cuộc sống đời thường với đầy những lo toan bộn bề... Chuyện kể những chiếc giày đã đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc với đầy đủ từng thang âm khác nhau của cuộc sống.
|
Đạo diễn Tấn Lộc đã rất tài tình khi dẫn dắt câu chuyện xuyên suốt, từ không gian này đến không gian khác, từ những mưu sinh đời thường đến sàn đấu quốc tế, từ những hạt mầm vun vén cho đến những giải thưởng mang về bằng nước mắt và máu.
Kết hợp cùng với hiệu ứng của ánh sáng và những giai điệu âm nhạc làm mê hoặc lòng người, trong Câu chuyện những chiếc giày, ngôn ngữ của nghệ thuật múa đã chinh phục được khán giả, đưa họ đến những nốt lặng riêng tư và xúc động, và cũng đẩy họ lên đến sự thăng hoa vỡ òa xúc cảm của những khát khao.
Vở múa Chuyện kể những chiếc giày cũng đánh dấu sự trở về và tham gia sàn diễn nghệ thuật múa trong nước của các gương mặt nghệ sĩ trẻ được đào tạo và thành danh ở nước ngoài như: Khánh Chinh (huy chương đồng trong cuộc thi múa Đương đại ở Hàn Quốc 2011), Thùy Chi (được học bổng và theo học Biên đạo múa tại Bắc Kinh, Trung Quốc), Thanh Phong (du học sinh tại Thụy Sỹ), Phạm Bảo Trung (du học sinh tại Đức), cùng với các diễn viên múa trong vũ đoàn Arabesque, dưới sự chỉ đạo của Tấn Lộc và các nhà biên kịch múa: Noriko Kuroe, John Huy Trần, Ngọc Khải, Tố Như, Thanh Phương và Minh Tâm.
|
Hà Uyên
Ảnh: Tuấn Ngọc
Bình luận (0)