Chuyện không hiểu nổi ở Bình Phước

09/12/2004 16:00 GMT+7

Theo đúng chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 01/CP ban hành ngày 4/1/1995 và UBND tỉnh Bình Phước tại Quyết định 1119/QĐ-UB ký ngày 15/7/1997 về việc giao khoán đất cho các hộ gia đình, cá nhân... sản xuất nông-lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Ngày 2/10/1999, các hộ dân gồm: Phan Văn Hùng, Trần Minh Lợi (ngụ ở Bình Phước), Huỳnh Công Tuấn (Đồng Nai), Phan Văn Hoàng, Văn Thị Tra, Phan Thị Thu Vân, Nguyễn Phú Hùng, Phan Thị Lành (TP.HCM) ký hợp đồng nhận khoán 68 ha đất trồng cây nông-lâm nghiệp với Ban Quản lý rừng (BQLR) kinh tế Tân Lập, xã Tân Hòa, H.Đồng Phú. Tháng 3/2000, BQLR Tân Lập và 2 hộ Phan Văn Hoàng, Phan Văn Hùng ký thêm 2 hợp đồng liên kết trồng cây lâm - công nghiệp với diện tích 18 ha. Ngoài chữ ký của hai bên, các hợp đồng đều được Chủ tịch UBND H.Đồng Phú và Chủ tịch UBND xã Tân Hòa xác nhận. Theo đó, mỗi hộ nhận khoán từ 9-10 ha tại khoảnh 3, tiểu khu 381, thời hạn hợp đồng 50 năm, quyền lợi và nghĩa vụ mỗi bên đều ghi rõ, bên nào sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay sau đó, những hộ dân nói trên hùn vốn, đầu tư hàng tỉ đồng mua máy ủi, máy cày, khoan giếng, cất trại... trồng được 60 ha cây keo lai, xà cừ (có biên bản nghiệm thu của BQLR Tân Lập ngày 15/7/2000). 26 ha còn lại đã được các hộ cày ủi, chưa kịp xuống giống thì bị một số người dân quá khích lấn chiếm, nhổ bỏ xà cừ và trồng mì, ngăn cản các hộ nhận khoán trồng rừng. Dù sau đó, BQLR Tân Lập, chính quyền xã, huyện... nhiều lần kiểm tra xử lý nhưng không giải quyết dứt điểm. Vì thế, dân xâm canh tiếp tục cày phá khoảng 28 ha xà cừ của các hộ nhận khoán và 2 hợp đồng liên kết để... trồng mì. Để kịp trồng rừng trong mùa mưa, tháng 4/2002, các hộ nhận khoán đã ký hợp đồng với Trung tâm Khoa học sản xuất Đông Nam Bộ để sản xuất giống keo lai, số lượng 85.000 cây nhưng vì chưa thu hồi được đất bị lấn chiếm nên phải thanh lý hợp đồng, bồi thường thiệt hại.

Đầu năm 2003, các hộ nhận khoán và hợp đồng liên kết tiếp tục gửi đơn đề nghị can thiệp đến các cấp chính quyền. Ngày 15/2/2003, BQLR Tân Lập có công văn 02/KN-BQL gửi UBND và Thanh tra H.Đồng Phú. Ngày 18/2/2003, UBND H.Đồng Phú có công văn 36/UB đề nghị BQLR Tân Lập giải quyết yêu cầu của các hộ; công văn 60/UB ngày 10/3 gửi Công an H.Đồng Phú yêu cầu xác minh tình trạng lấn chiếm đất giao khoán nói trên. Ngày 7/4/2003 những trường hợp tái chiếm đồng ý giao trả lại đất cho các hộ nhận khoán và chuyển ra khỏi vùng xâm canh. Ngày 29/5/2003, biên bản cuộc họp giữa Chi cục Phát triển lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm... cùng có ý kiến: "Dựa trên hiệu quả làm được của các hộ nói trên, đề xuất lãnh đạo giải quyết cho các hộ có đất để tiếp tục sản xuất theo hợp đồng". Đây là thiệt hại nặng nề với các hộ nhận khoán, những người đã đổ mồ hôi, tiền của hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Phước. Qua sự việc trên, lẽ ra lãnh đạo tỉnh Bình Phước phải sớm giải quyết nhằm trả lại quyền lợi cho nhà đầu tư. Thế nhưng...

Từ thông báo "lạnh lùng" của tỉnh

Ngày 2/7/2004, UBND tỉnh Bình Phước ra thông báo 143/TB-UB kết luận chỉ đạo của ông Nguyễn Huy Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh: "68 ha đã giao khoán cho 7 hộ dân (thực chất do ông Hùng và ông Hoàng sử dụng), do quản lý không tốt đã bị dân xâm canh. Giao BQLR Tân Lập lập thủ tục thanh lý các hợp đồng khoán để giao đất lại cho Công ty CS Sông Bé; đồng thời rà soát lại diện tích lâm phần ngoài khu quy hoạch 2.256 ha, nếu còn đất lâm nghiệp trạng thái 1A, 1B thì kiến nghị giao khoán lại cho ông Hùng và ông Hoàng từ 20-30 ha". Thu hồi đất đang trồng rừng giao cho một đơn vị chỉ để trồng lại... rừng, như vậy có hợp lý không ? Chính đất của Công ty CS Sông Bé khi bị lấn chiếm cũng phải nhờ chính quyền can thiệp. Trước đó, ngày 11/6/2003, Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Phước có công văn 44/CC.PTLN xác định việc giao khoán cho các hộ là đúng, không nằm trong diện tích quy hoạch 2.256 ha của Công ty CS Sông Bé, đề nghị nên thực hiện đúng tinh thần giao khoán đất trồng cây lâm - công nghiệp mà Chính phủ đã ban hành.

Đến những quyết định sai "be bét" của huyện

Ngày 25/7/2003, ông Võ Văn Chương - Chủ tịch UBND H.Đồng Phú ký Quyết định số 1534/QĐ-UB thu hồi 68 ha đất của các hộ nhận khoán trồng rừng để giao cho Công ty CS Sông Bé trồng... rừng và cao su (?). Ngay từ đầu, căn cứ để ra quyết định đã thể hiện nhiều vô lý: Thứ nhất, Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/1999 về giao - cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Còn trường hợp các hộ trên là nhận khoán, không hề nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 163, mà thuộc quy định của Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995. Thế nhưng, UBND H.Đồng Phú lại áp dụng Nghị định 163, đồng thời bồi thêm chữ khoán, nguyên văn: "Căn cứ Nghị định số 163/1999/CP của Chính phủ về việc giao khoán đất...". Thứ hai, Quyết định 1534/QĐ-UB ghi: "Xét đề nghị của BQLR kinh tế Tân Lập". Thế nhưng khi tiếp PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Hoàng - Phó BQLR Tân Lập khẳng định bên ông không hề có đề nghị trên: "Thế này thì mai mốt ai dám vào đây đầu tư. Đúng thì phải bảo vệ chứ, nhưng hiện tại không như mình nghĩ mặc dù hợp đồng hai bên vẫn còn giá trị...". Hơn nữa, trong báo cáo số 05/BC-BQL ngày 15/5/2003, ông Lê Ngọc Thiền - Trưởng BQLR Tân Lập nêu rõ việc giao khoán cho các hộ là đúng, hợp với chủ trương của tỉnh và Nhà nước, ranh giới đã được xác định, đề nghị chính quyền đảm bảo quyền lợi cho các hộ nói trên.

Ngày 18/7/2003, Văn phòng HĐND và UBND H.Đồng Phú nhận đơn của các hộ khiếu nại thông báo 143/UB, đồng thời đơn cũng được gửi đến UBND tỉnh Bình Phước. Không trả lời khiếu nại, bất ngờ một tuần sau, huyện ra quyết định thu hồi Quyết định số 1534/QĐ-UB. Ngày 11/8, các hộ nhận khoán có đơn khiếu nại Quyết định 1534/QĐ-UB nhưng chưa được trả lời theo đúng Luật Khiếu nại, tố cáo thì ngày 18/8/2003, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND H.Đồng Phú tiếp tục ký Quyết định 1707/QĐ-UB cưỡng chế, thu hồi 68 ha đất đã giao khoán, như vậy là tiếp tục sai.

Ông Phan Văn Hùng bức xúc: "Công ty CS Sông Bé từng ngang nhiên nhổ cây, ủi con đường dài gần 2.000m trên đất của chúng tôi khi chưa có quyết định thu hồi, tự ý lấy đất không thuộc diện thu hồi. Hy hữu hơn, trong Quyết định 1534 của huyện, hộ ông Huỳnh Công Tuấn bị thu hồi 10 ha nhưng khi tiến hành cưỡng chế, họ lại lấy nhầm đất của bà Phan Thị Lành - không có tên trong quyết định thu hồi".

Phớt lờ chỉ đạo của cấp trên?

Ngày 11/9/2003, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn 602/PC/VP.PL gửi Tổng thanh tra nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước giải quyết và trả lời Chủ tịch nước trước ngày 20/10/2003. Ngày 22/9/2003, Phó tổng thanh tra nhà nước có công văn 1145/TTNN - vụ IV gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước xem xét giải quyết khiếu nại của các hộ dân theo thẩm quyền, báo cáo Thanh tra nhà nước trước ngày 10/10/2003 để trình Chủ tịch nước. Ngày 6/10/2003, UBND tỉnh Bình Phước có công văn 1674/UB-TD giao UBND H.Đồng Phú giải quyết đơn khiếu nại của 7 hộ bị cưỡng chế. Mặc dù ngày 12/2/2004, Thanh tra H.Đồng Phú có kết quả công nhận khiếu nại của các hộ là đúng, đồng thời đề nghị UBND H.Đồng Phú thu hồi Quyết định 1707/QĐ-UB nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết (?).

Nguyên Đình Nguyễn - Trung Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.