Tuổi trẻ VN năm châu bốn bể đều... mê cải lương!
Bây giờ, nếu có ai kết luận "giới trẻ quay lưng với cải lương, chạy theo nhạc trẻ thời thượng", hay "cải lương chỉ có khán giả số đông là giới bình dân", bảo đảm sẽ phải thay đổi suy nghĩ khi vào các web cải lương hiện có. Có đến hơn 2/3 thành viên của hơn chục trang web cải lương hiện nay như cailuong.org.vn, cailuongvietnam.com (CLVN), nsbachtuyet.com, nslethuy.com,vulinh.net, thoaimy.com, vuluan.net, tusuong.info... đều là học sinh, sinh viên hay viên chức trẻ đến từ khắp thế giới. Nhiều người đang là du học sinh diện học bổng, thạc sĩ, tiến sĩ ở độ tuổi 25-35. Có người rời VN khi trưởng thành, có người đi khi mới 5-10 tuổi, có người sinh ra ở nước ngoài; có người coi cải lương từ nhỏ, người tình cờ mới biết cải lương gần đây qua băng đĩa... nhưng tất cả đều có một điểm chung là mê cải lương và mê nghệ sĩ như điếu đổ. Trong web cải lương còn có nhiều thành viên là nhà doanh nghiệp, nhà văn, nhà giáo... Thế nên có rất nhiều bài nói chuyện trong web cải lương khiến người đọc "tâm phục khẩu phục". Không chỉ hiểu rất sâu rộng về diễn xuất, nhịp ca, hơi ca của nghệ sĩ, âm nhạc tài tử cải lương; rất có kiến thức về điển tích, Hán tự, ca dao tục ngữ; mà cả những đề tài như lịch sử đã bị sai lệch ra sao trong nhiều tuồng cải lương; tính triết lý - xã hội trong vở cải lương Kiều chẳng hạn... cũng được nhiều thành viên bàn luận rất thấu đáo.
|
Tại sao cải lương trên mạng lại "ăn khách"?
Trong thời đại internet này, chẳng biết những người có trách nhiệm với sự sống còn, phát triển của cải lương có chịu vào web để biết nhiều học sinh, sinh viên tha thiết với nghệ thuật dân tộc này lấy nick là "hay tin o hoa hong"? Để thấy các bạn trẻ kêu gọi nhau "Mong các bạn yêu thích cải lương hãy thể hiện". Để nghe nick trucvan khẳng định: "Tôi là khán giả trẻ nè, coi cải lương lâu rồi, người ta nói làm cải lương hướng về khán giả trẻ mà làm theo kiểu hiện nay... thì tôi phản đối". Vào web cải lương để thấy sức sống thật sự của loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này, thấy cái tình, cái tâm khán giả dành cho cải lương còn nhiều lắm lắm, đừng nỡ phụ! |
Mở thư viện hình ảnh CLVN, hay rải rác trong web, dễ "ngây ngất" với những bức ảnh rất xưa giàu thần thái của hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng từ 1930-1975 và cả những bức ảnh rực rỡ mới nhất của các ngôi sao đương thời. Có hàng mấy trăm vở tuồng audio, video từ thập niên 30-50 đến những bài ca, vở tuồng mới nhất hiện nay có thể nghe, xem miễn phí ở đây. Có những tư liệu quý chính thống và không chính thống về cải lương từ 1930-1970 và những ký ức sống về giai đoạn sơ khai hay thời hoàng kim của cải lương với giá trị đích thực được kể lại. Dễ dàng tìm thấy trong web cải lương ký âm, lời ca và cả âm thanh minh họa những bài bản nhạc tài tử cải lương, những điệu hò lý, điệu hồ quảng; những tư liệu về các loại đàn dân tộc... Có thể nói, cả một gia tài đồ sộ của lịch sử sân khấu cải lương từ lâu bị thất tung, tản tích khắp năm châu bốn bể đã được các trang web cải lương tập hợp lại khá tốt do các thành viên đóng góp và phổ biến như một cách quảng bá cải lương hữu hiệu nhất. Người vào xem có thể tìm thấy những giá trị tốt đẹp, tinh túy và đúng chất nghệ thuật sân khấu cải lương nhất - những giá trị bây giờ cải lương sàn diễn không đáp ứng được!
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Long, người từng gắn bó với cải lương từ những năm đầu 1970, khi mới 12 tuổi, là người đóng góp khá nhiều tư liệu quý mà anh nâng niu gìn giữ mấy chục năm cho CLVN đã bộc bạch tâm huyết: "Nhiều người hỏi tôi sao những tư liệu quý, có giá trị như vậy lại đem cho thoải mái quá. Nhưng tôi nghĩ không nên ích kỷ, chia sẻ là cách để người khác cùng giữ với mình, để lỡ mình mất thì họ còn. Bây giờ, ai còn quan tâm đến cải lương là rất đáng quý!". |
Hiện có nhiều trang web tin tức - giải trí vẫn dành một góc riêng cho cải lương như webthegioinghesi.com vừa ra mắt mục "sân khấu cải lương" vào 20.5.2006...
Những cảnh báo từ web cải lương!
Thực tế đã có nhiều nghệ sĩ bị khai thác,"thảo luận" về đời tư và vai diễn hơi quá trớn dẫn đến sự xúc phạm nghiêm trọng trên web CLVN. Dù có nhiều ý kiến của thành viên phản đối, dư luận bên ngoài phản ảnh nhưng chủ web cũng ngó lơ vì chẳng có sự chế tài nào với những vi phạm như thế. Thiết nghĩ cơ quan quản lý nên để mắt đến những trường hợp này để bảo vệ nghệ sĩ. CLVN cũng rất thiếu ý thức về bản quyền trong việc dẫn nguồn tin tức copy và hình ảnh tư liệu. Chuyện nghe và xem miễn phí cải lương trên web về mặt nào đó rất đáng ủng hộ trong tình hình cải lương cần mọi sự tiếp sức lôi kéo công chúng như hiện nay; song chí ít cũng cần có một lời phi lộ và cảm ơn về chuyện bản quyền! Web này còn ngang nhiên rao bán trọn gói cả trăm tuồng cải lương dưới dạng đĩa chép giá 100 USD với danh nghĩa "lập quỹ ủng hộ nghệ sĩ nghèo". Chủ web từng có nhiều lần đem tiền của thành viên gửi giao tận tay nghệ sĩ nghèo; và có số ít thông tin nghệ sĩ gặp khó khăn do chủ web tự liên hệ tìm hiểu, kêu gọi giúp đỡ rất đáng ghi nhận. Song chỉ những đóng góp cụ thể nêu đích danh trên web mới được hồi đáp rõ ràng, những đóng góp cho nghệ sĩ nghèo không có địa chỉ và số tiền bán CD hiếm khi nào được đề cập và minh bạch. Số tiền thành viên đóng góp duy trì web nói chung cũng không công khai, có điều tiếng... Tiếc rằng là trang web đại diện chính thức của nhà nước Việt Nam về cải lương, song cailuong.org.vn vẫn thiếu sự năng động, nhanh nhạy trong cập nhật tin tức, hình ảnh, triển khai đề tài để chiếm giữ xứng đáng vị trí của mình.
|
H.B
Bình luận (0)